Ông Biden đắc cử, lập trường của Mỹ về Biển Đông không thay đổi
Chuyên gia cho rằng chính quyền Mỹ dưới thời Joe Biden không thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông, sẽ tiếp tục cứng rắn như Tổng thống Donald Trump.
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ sẽ thực hiện cách tiếp cận đồng thuận hơn đối với các mối quan hệ quốc tế trong nhiệm kỳ của Joe Biden, song nhận định chính quyền ông Biden có thể sẽ tiếp tục cứng rắn trong vấn đề Biển Đông như Tổng thống Donald Trump.
Tại diễn đàn do Hiệp hội Phóng viên nước ngoài của Philippines tổ chức hôm 9/11, Giáo sư Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines cho biết: “Là một nhà lập pháp kỳ cựu, ông Biden sẽ chú trọng xây dựng chính quyền theo thiên hướng những người đứng đầu sẽ phải gánh chịu các vấn đề trên toàn thế giới”.
Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia Đông Nam Á Carl Thayer, cho biết dưới thời ông Biden, các quốc gia ở khu vực sẽ không chịu nhiều áp lực trong việc buộc phải chọn bên trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.
Theo Carl Thayer, liên minh Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ “giảm tính đối kháng hơn”. Ông cho rằng, Joe Biden sẽ chủ trương tiến hành các cuộc đàm phán với các bên liên quan để “đưa ra chiến lược đẩy lùi”, chống lại Trung Quốc.
Chuyên gia Jay Batongbacal và Carl Thayer đều cho rằng, Washington sẽ tiếp tục chính sách đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông, đồng thời tăng cường nỗ lực đưa nhóm đảo Kalayaan mà Philippines chiếm giữ vào tuyến đường thủy theo khái niệm "Thái Bình Dương" mở rộng của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines (MDT).
Theo hiệp ước được ký kết vào tháng 8/1951, Mỹ sẽ tham chiến nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang “vào các đảo thuộc quyền tài phán của Philippines, các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của nước này ở Thái Bình Dương”.
Carl Thayer cho rằng, hiệp ước được ký kết trước khi Philippines đưa ra yêu sách đối với nhóm đảo Kalayaan, trong đó có đảo Pag-Asa - khu vực mà các tàu đánh cá và tàu tuần duyên của Trung Quốc được cho là đã hiện diện nhiều trong những năm gần đây.
“Dưới thời chính quyền Obama, quan điểm của Washington là không thể đảm bảo hiệp ước bao trùm khu vực cụ thể đó”, chuyên gia Carl Thayer cho hay. Tuy nhiên, lập trường này đã thay đổi dưới thời chính quyền Trump. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông là "bất hợp pháp".
The New York Times cho hay, là người ủng hộ việc hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh từ những năm 1970, Biden đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhất 8 lần trong sự nghiệp chính trị kéo dài 5 thập kỷ, thậm chí chơi bóng rổ với người đứng đầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, lập trường của Tổng thống đắc cử Biden đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cứng rắn hơn trong thập kỷ qua. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Biden đã chỉ trích Bắc Kinh vì các hành động ở Hong Kong, gọi các chính sách của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương là "vô lương tâm".
Ông Biden cho biết, ông từng nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Mỹ sẽ bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố vùng cấm bay ở Biển Đông, cho máy bay ném bom B-1 bay qua đó, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi sẽ làm mọi thứ rõ ràng, họ phải chơi theo luật”.