Ông Biden không vội vàng đối phó với Trung Quốc sau khi vào Nhà Trắng
Ông Joe Biden tiết lộ sẽ không hủy bỏ ngay thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Ông muốn nối lại quan hệ với các đồng minh và giải quyết vấn đề trong nước trước khi đối phó Bắc Kinh.
Trả lời New York Times, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ không hủy bỏ ngay lập tức thỏa thuận thương mại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được với Trung Quốc hồi đầu năm nay.
"Tôi sẽ không thực hiện ngay bất cứ động thái nào. Điều tương tự cũng được áp dụng đối với thuế. Tôi không đưa ra lựa chọn bằng định kiến", ông Biden khẳng định.
Trao đổi với nhà báo Thomas Friedman của New York Times, ông Biden khẳng định sẽ tiến hành xem xét toàn bộ thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa và tham khảo ý kiến của các đồng minh lâu đời ở châu Âu và châu Á, "nhằm phát triển một chiến lược chặt chẽ".
Kết hợp với các đồng minh
"Tôi cho rằng chiến lược (đối phó) Trung Quốc tốt nhất là tất cả - hoặc ít nhất là các quốc gia từng là đồng minh của chúng ta - thống nhất với nhau. Ưu tiên hàng đầu của tôi trong những tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống là cố gắng kết hợp chặt chẽ với các đồng minh", tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận thương mại được ký kết hồi tháng 1, Trung Quốc đồng ý tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ đến năm 2021, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu. Dữ liệu mới nhất tính đến cuối tháng 10 chỉ ra trong năm nay, Trung Quốc chỉ mua khoảng 44% số hàng đã hứa. Sau khi ký kết thỏa thuận, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn giữ nguyên thuế đối với khối hàng hóa trị giá hàng tỷ USD.
Ưu tiên hàng đầu của tôi trong những tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống là cố gắng kết hợp chặt chẽ với các đồng minh
- Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden
Ông Biden hy vọng giải quyết “những hành vi lạm dụng” của Trung Quốc, bao gồm “ăn cắp tài sản trí tuệ, bán phá giá sản phẩm, trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn” cũng như buộc doanh nghiệp Mỹ “chuyển giao công nghệ" cho đối tác Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Biden khẳng định Mỹ cần “đòn bẩy” để đối phó với Trung Quốc. “Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn chưa có (đòn bẩy)”, ông nhấn mạnh. Điều đó đòi hỏi sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ đối với việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục để cạnh tranh với Bắc Kinh.
"Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ chiến đấu quyết liệt bằng cách đầu tư vào nước Mỹ trước tiên", ông nhấn mạnh. Vị tổng thống đắc cử khẳng định các ngành công nghiệp như năng lượng, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và trí tuệ nhân tạo là "những ngành then chốt trong việc đầu tư vào nghiên cứu".
Vấn đề trong nước
Trong chiến dịch tranh cử, các cố vấn của ông Biden gợi ý cách tiếp cận về thuế từ tốn với Trung Quốc. Theo đó, chính quyền ông Biden sẽ ưu tiên những vấn đề trong nước như đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất Mỹ, từ đó xây dựng vị thế mạnh để đối đầu Bắc Kinh.
Tuyên bố mới nhất của tổng thống đắc cử cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung có thể hạ nhiệt, sau khi ông Biden dồn sự chú ý vào những vấn đề trước mắt của nền kinh tế Mỹ như đại dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp, tăng trưởng sụt giảm...
"Nhiều khả năng tân tổng thống Mỹ sẽ dành năm đầu tiên của nhiệm kỳ để giải quyết các vấn đề trong nước. Điều đó có thể mang lại thời gian nghỉ ngơi cho cả hai bên", Bloomberg dẫn lời ông Larry Hu, Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn Macquarie, nhận định.
Tuy nhiên, cam kết hợp tác với các đồng minh của ông Biden có thể là mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc. "Sau 4 năm biến động, rất khó để mong chờ sự bình thường hóa mối quan hệ song phương ngay lập tức", chuyên gia Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại Australia and New Zealand Banking Group, nhận định.
“Nếu Trung Quốc mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn và cam kết thực hiện thỏa thuận giai đoạn một, Washington sẽ nói: 'Tại sao không?'. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong chính sách đối phó Trung Quốc, như mọi người mong chờ”, ông Yeung nói thêm.