Ông Biden trước sức ép cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
Ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển giao tiêm kích cho quân đội Ukraine, dù Lầu Năm Góc trước đó khẳng định máy bay chiến đấu sẽ không hiệu quả.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky trước lưỡng viện Quốc hội, ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu Tổng thống Biden tìm cách cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, The Hill hôm 18/3 đưa tin.
Nhiều nghị sĩ cho rằng các nhà lãnh đạo Ukraine, những người đang có mặt trực tiếp trên chiến trường, hiểu rõ loại vũ khí nào có thể giúp họ phòng thủ hiệu quả nhất.
"Nếu người Ukraine tin máy bay MiG giúp họ bảo vệ bầu trời, chúng ta nên tìm cách hiện thực hóa đề nghị đó. Tôi đề nghị chúng ta phải hành động", Hạ nghị sĩ Anthony Brown của đảng Dân chủ, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói.
"Nếu một quốc gia đang phải tự vệ đã đưa ra yêu cầu, tôi nghĩ vũ khí đó có thể hữu dụng, chúng ta nên chuyển máy bay cho họ", Hạ nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego, thành viên khác của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói.
Thậm chí, một số nghị sĩ vốn tin MiG-29 không phải là vũ khí phù hợp cho Ukraine hiện nay cũng muốn Tổng thống Biden xúc tiến chuyển giao tiêm kích cho chính quyền Kyiv.
"Tôi nghĩ Lầu Năm Góc đã nói rất rõ máy bay sẽ không hiệu quả. Nhưng đang có rất nhiều người Ukraine đặt cược tính mạng tham gia vào cuộc chiến, họ biết rõ mình đang làm gì", Hạ nghị sĩ Brad Sherman, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng việc chuyển giao tiêm kích MiG-29 sẽ giúp nâng cao sĩ khí của quân dân Ukraine trong thời khắc quan trọng hiện nay.
"Tôi nghĩ về mặt biểu tượng, việc chuyển giao sẽ mang rất nhiều ý nghĩa cho Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine", ông McCaul cho biết.
Trước đó, Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine.
Nhà chức trách Mỹ cho rằng máy bay tiêm kích sẽ không phát huy hiệu quả bằng các loại tên lửa vác vai đang viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, Washington lo ngại việc chuyển giao tiêm kích có thể bị Nga lấy làm cái cớ để leo thang chiến sự ra bên ngoài Ukraine.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang có những dấu hiệu tích cực. Phát biểu hôm 18/3, ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Nga, nhận định hai bên đã đi được "nửa chặng đường" về việc "phi quân sự hóa" Ukraine, theo Tass.
Dù vậy, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Kyiv đang trì hoãn đàm phán và đặt ra ngày càng nhiều đề xuất phi thực tế.