Ông Biden và ông Putin lạc quan sau cuộc gặp thượng đỉnh, đạt hai kết quả chính
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ và đưa đại sứ mỗi nước trở lại nước kia...
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi bước vào cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, ngày 16/6 - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ và đưa đại sứ mỗi nước trở lại nước kia. Đây được xem là hai kết quả chủ chốt của cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Biden, ông Putin nói rằng cuộc thảo luận giữa ông với người đứng đầu Nhà Trắng “rất hiệu quả” và “không có bất kỳ sự thù hằn nào” giữa hai nhà lãnh đạo.
Tại cuộc họp báo của mình, ông Biden cũng đưa ra nhận xét tương tự, cho biết cuộc gặp với ông chủ điện Kremlin là “tốt đẹp, tích cực”. Ông nói thêm rằng cuộc thảo luận đã không hề “diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng. Việc đó là quá tốt so với những gì đang diễn ra”.
VẤN ĐỀ ĐẠI SỨ, HẠT NHÂN
Hiện tại, cả đại sứ Nga ở Mỹ, ông Anatoly Antonov, và đại sứ Mỹ ở Nga, ông John Sullivan, đều không có mặt để làm nhiệm vụ ở nước sở tại. Cả hai vị đại sứ này đều đã được triệu hồi về nước vào đầu năm nay, sau khi ông Biden công bố một đợt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga trên cơ sở cho rằng Moscow đứng sau một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ trong năm 2020. Do việc triệu hồi đại sứ, các hoạt động lãnh sự, visa, và các dịch vụ ngoại giao khác giữa Mỹ và Nga đã rơi vào ngưng trệ, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, gia đình và tổ chức nhân đạo có hoạt động và đi lại giữa Mỹ và Nga.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Ngay từ đầu, giới phân tích không kỳ vọng cuộc gặp đạt được bước đột phá nào, xét tới việc mối quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.
Hồi tháng 2, chính quyền ông Biden gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Nga thêm 5 năm. Ngày 16/6, ông Biden và ông Putin đạt thỏa thuận rằng tham vấn về “sự ổn định chiến lược mới” – cách nói vắn tắt về kho vũ khí hạt nhân – sẽ được nối lại giữa hai nước.
Ông Biden nói điều này đồng nghĩa với việc “đưa các chuyên gia quân sự và ngoại giao của hai nước ngồi lại với nhau để có được sự kiểm soát đối với những hệ thống vũ khí mới và nguy hiểm”.
New START hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Washington và Moscow. Khi còn cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tương tự như New START, INF hạn chế quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga – hai nước sở hữu phần lớn số vũ khí hạt nhân của thế giới.
VẤN ĐỀ TẤN CÔNG MẠNG
Cuộc gặp của ông Biden và ông Putin cũng dành nhiều thời gian để thảo luận nội dung an ninh mạng – một vấn đề gai góc khác trong quan hệ Mỹ-Nga. Ông Biden cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga đã bàn về một khuôn khổ hiểu biết chung trong đó việc tấn công mạng vào những mục tiêu nhất định, chẳng hạn cơ sợ hạ tầng chủ chốt, cần được xem là một vấn đề nghiêm trọng đối với cả hai nước.
“Một số cơ sở hạ tầng quan trọng nên được coi là vùng cấm,đối với tấn công mạng và bất kỳ phương thức tấn công nào khác”, ông Biden nói. “Tôi đã đưa ra cho họ một danh sách gồm 16 thực thể được định nghĩa là cơ sở hạ tầng chủ chốt theo chính sách của Mỹ, từ lĩnh vực năng lượng cho tới hệ thống cấp nước”.
“Chúng tôi đã nhất trí giao nhiệm vụ cho chuyên gia ở mỗi nước đưa ra hiểu biết cụ thể về việc đâu là vùng cấm và cách thức xử lý những vụ tấn công xuất phát từ các quốc gia khác hoặc từ một trong hai nước” Mỹ và Nga - ông Biden cho hay.
Bằng cách vạch ra giới hạn về “vùng cấm”, ông Biden đã chỉ rõ rằng nếu những cơ sở hạ tầng như vậy bị tấn công - cho dù kẻ tấn công thuộc đối tượng nhà nước hay phi nhà nước - thì vụ tấn công đó cũng đáng phải có sự đáp trả ở cấp độ chính phủ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng quan chức hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 ở Geneva - Ảnh: Tass/Getty.
Sự cảnh báo này của ông Biden được đưa ra sau hai vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) mới đây nhằm vào Mỹ, và cả hai vụ đều được cho là do hacker ở Nga thực hiện. Đầu tiên là vụ tấn công vào hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất Mỹ Colonial Pipeline, gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu ở vùng Bờ Đông của nước Mỹ. Tiếp đó là vụ tấn công nhằm vào JBS, nhà cung cấp thịt lớn nhất ở Mỹ.
Về phần mình, tại cuộc họp báo, ông Putin không trực tiếp trả lời những câu hỏi về các vụ tấn công trên, nhưng nói rằng Nga không liên quan gì đến vụ tấn công Colonial Pipeline.
Ông Biden cho biết đã đề cập trực tiếp vụ tấn công Colonial Pipeline với ông Putin. “Khi tôi nói về vụ tấn công đường ông dẫn dầu, tôi đã nhìn ông ấy và hỏi: ‘Ông cảm thấy thế nào nếu mã độc tống tiền tấn công vào đường ống dẫn đầu của nước ông?’” Ông Putin đáp: “Đó là một chuyện lớn” – ông Biden thuật lại.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Ngay từ đầu, giới phân tích không kỳ vọng cuộc gặp đạt được bước đột phá nào, xét tới việc mối quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Giới chức hai nước cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm hạ thấp kỳ vọng trước khi cuộc gặp diễn ra.
Thay vì tìm kiếm những kết quả cụ thể, Mỹ xem cuộc gặp thượng đỉnh này là cơ hội để xây dựng một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn giữa hai cường quốc hạt nhân của thế giới.
“Cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sự tôn trọng chừng mực lẫn nhau, và việc đưa đại sứ trở lại có thể là một kết quả đã được dàn xếp từ trước nhằm mang lại hiệu ứng tích cực”, chiến lược gia Tom Block thuộc Fundstrat nhận định với hãng tin CNBC. Ông Block cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga giúp “củng cố hình ảnh của ông Biden với tư cách một chính trị gia và một nhà lãnh đạo lão luyện, giúp mang lại cảm giác yên tâm cho thị trường tài chính”.