Ðồng bộ giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Huyện U Minh được thiên nhiên ưu đãi 'rừng vàng, biển bạc', nhưng những năm gần đây, do sự phát triển quá nhanh của các phương tiện đánh bắt, khai thác quá mức, làm cho nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng ngọt giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản được địa phương đặc biệt quan tâm.
Là một trong những hộ dân hành nghề đánh bắt thủy hải sản lâu đời ở xã Khánh Hội, ông Phạm Quốc Sự, Ấp 3, bức xúc: "Trước đây, làm nghề đánh bắt thủy sản không giàu thì cũng thuộc hàng khá giả, nhưng hiện nay, những hộ càng bám trụ với nghề biển càng thua lỗ, vì ngư trường cạn kiệt tài nguyên, ngư dân đánh bắt xa bờ không còn nguồn lợi để khai thác. Nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây các loại hình khai thác ven bờ mọc lên như nấm sau mưa, khai thác tận diệt nguồn lợi, nhất là vào mùa các loài thủy sản vào bờ sinh sản, làm cho nguồn lợi ngày càng bị kiệt quệ. Kiến nghị ngành chức năng nghiêm cấm không cho người dân khai thác thủy sản ven bờ, có như thế thì mới bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và những người khai thác xa bờ như chúng tôi mới có thể sống được".
Ðây cũng là bức xúc chung của nhiều hộ dân hành nghề đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết: “U Minh có 2 cửa biển (Khánh Hội và Hương Mai). Những năm gần đây, bà con hành nghề khai thác thủy hải sản trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, vì nguồn lợi cạn kiệt. Trước thực trạng này, huyện có nhiều báo cáo về tỉnh để có hướng xử lý và hỗ trợ ngư dân".
Ðể bảo vệ nguồn lợi thủy sản cả vùng ven biển và vùng ngọt hóa, huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2023 của UBND tỉnh về vấn đề này.
Huyện ủy U Minh có Kết luận số 779 và UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể về tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn huyện. UBND huyện đã triển khai các kế hoạch đến từng xã. Ðồng thời, các xã, thị trấn có kế hoạch triển khai đến tận ấp, khóm để phổ biến cho từng hộ dân nắm.
U Minh là đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức lễ ra quân phát động phong trào thu gom, xử lý các dụng cụ khai thác thủy hải sản mang tính hủy diệt trên địa bàn. Ðến thời điểm hiện tại, huyện đã vận động người dân giao nộp 281 bộ kích điện. Các địa phương còn quyết liệt kiểm tra, rà soát, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu đối với 19 trường hợp sử dụng kích điện để khai thác thủy sản tận diệt.
“Huyện chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, kể cả trong đất liền và ven biển. Mặt khác, hiện nay, từ Trung ương đến tỉnh, huyện rất quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt. Thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lực lượng liên quan để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khai thác ven bờ. Ngoài ra, huyện cũng có đề xuất với tỉnh để có kế hoạch chuyển đổi nghề cho bà con khu vực ven biển không có điều kiện khai thác xa bờ, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ”, ông Lê Hồng Thịnh cho biết thêm.
Việc sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước tự nhiên. Ngoài ra, còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người.
Theo đó, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi nói trên, nhiều địa phương xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý triệt để tình trạng sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản, với sự tham gia của người dân.
Vừa qua, để góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng, Hội Nông dân huyện U Minh ra mắt mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi cá đồng tại Ấp 12, xã Khánh Thuận, với 15 thành viên, tổng diện tích trên 105 ha.
Ông Trần Huy Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: “Chi hội đảm bảo hoạt động hiệu quả, tạo nên sự liên kết trong sản xuất và đời sống. Ðoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc "5 tự" (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm) và "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Từ đó, bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng trong thời gian tới”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dong-bo-giai-phap-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-a33172.html