Ông bố sống trong 2 'mẩu nhà siêu nhỏ' ở Hà Nội: Con gái phải ở trọ, con trai không dám lấy vợ
Căn nhà siêu nhỏ gồm 2 khối tách biệt, nằm trước tòa nhà ở ngõ 102 Trường Chinh (Đống Đa) khiến nhiều người tò mò. Được biết, đây là diện tích còn sót lại sau khi chính quyền thu hồi đất để mở rộng đường, hiện hai bố con ông Nguyễn Ngọc Kỳ (69 tuổi) đang sinh sống tại căn nhà trên.
Câu chuyện ngôi nhà siêu mỏng trên phố Trường Chinh. Clip: Nhật Anh
Hai mẩu nhà siêu nhỏ nằm án ngữ trên đường Trường Chinh
Thời gian qua, tại khu vực ngõ 102 Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện 2 mẩu nhà siêu nhỏ nằm trước tòa chung cư M.C. HH1 khiến những người đi qua không khỏi ngạc nhiên, tò mò. Chúng tôi đã có mặt để tìm hiểu về căn nhà, cũng như cuộc sống bên trong.
Theo quan sát, tại mẩu nhà chính được gia đình sử dụng chỉ vọn vẹn khoảng 8m2, đây là nơi ông Kỳ cùng con trai lớn đang sinh sống. Tại tầng 1, ông Kỳ để chật kín đồ đạc như bàn, ghế, bát, đũa, đồ sửa chữa máy móc... Tầng 2 là phòng ngủ. Nói là phòng ngủ nhưng chỉ kê vừa đủ một chiếc giường nhỏ, trong góc là phòng vệ sinh chỉ vừa 1 người đứng, tắm giặt... Cách đó không xa là mẩu nhà siêu nhỏ chỉ hơn 1m2 nằm độc lập.
Hai mẩu nhà, một mẩu chỉ 8m2, một mẩu chỉ hơn 1m2.
Ông Kỳ - chủ nhân của 2 mẩu nhà độc lạ này cho biết, vốn dĩ trước đây tổng diện tích đất mà gia đình sử dụng hơn 63m2, nhưng sau đó chính quyền địa phương thu hồi 54m2 để mở rộng ngõ 102 Trường Chinh.
Ngồi giữa căn nhà siêu mỏng với sấp giấy tờ liên quan đến căn nhà, ông Kỳ tâm sự, ông là bộ đội kháng chiến, đến năm 1987, ông vào làm việc tại nhà máy cơ khí Nông nghiệp 1 Hà Nội, nay đổi tên thành Công ty cổ phần Năng lượng và bất động sản MCG.
Đến năm hơn 30 tuổi, với nguyện vọng xây dựng gia đình, ông xin nhà máy cấp nhà ở để ổn định cuộc sống nhưng nhận được thông báo đã hết chỗ. Đến năm 1991, nhà máy bố trí mảnh đất tại ngõ 102 Trường Chinh để ông sử dụng, đồng thời giúp đỡ làm nhà và tổ chức cho ông lấy vợ. Gia đình ông sinh sống tại đây từ tháng 2/1992.
Ông Kỳ kể lại: "Chúng tôi sinh sống và làm việc ổn định tại đây từ năm 1992, người con trai cả cũng được sinh ra trong năm đó, còn con gái út sinh năm 1994. Đến năm 1999, vợ tôi không may qua đời trong một vụ tai nạn, từ đó một mình tôi nuôi hai con ăn học.
Cuộc sống khó khăn, tôi chỉ biết cố gắng kiếm tiền để chăm lo cho các con, chẳng nghĩ đến các thủ tục pháp lý cho thửa đất mình đang sử dụng."
Không gian nhỏ hẹp chỉ đủ kê một chiếc giường, phần góc nhà là phòng vệ sinh chỉ vừa 1 người đứng.
"Con gái tôi phải thuê trọ để ở, con trai lớn sống chung cũng ngại lấy vợ"
Theo ông Kỳ, trong năm 2023, chính quyền địa phương thông báo diện tích đất nhà ông ở nằm trong quy hoạch mở rộng ngõ 102 Trường Chinh và nằm trong một phần diện tích của tòa chung cư. Đến tháng 7/2023, từ căn nhà trên diện tích đất hơn 63m2 bị thu hồi để mở rộng đường bị gọt giũa chỉ còn vỏn vẹn 2 mẩu nhà siêu nhỏ này.
"Do căn nhà chật hẹp, con gái thứ hai phải thuê trọ ở ngoài. Còn con trai lớn đang ở cùng tôi, hai bố con ăn ở, sinh hoạt khá bất tiện, thế nên đến năm nay đã hơn 30 tuổi, con vẫn chưa nghĩ đến việc xây dựng gia đình"- ông Kỳ nói.
Do không gian nhỏ, hẹp khiến cuộc sống của ông và con trai gặp rất nhiều khó khăn. Kết nối giữa tầng 1 và tầng 2 là chiếc cầu thang nhỏ dựng đứng, một người đi còn khó. Mỗi lần di chuyển từ tầng một lên tầng hai vô cùng vất vả, hai bố con nhiều lúc không có không gian riêng, việc ăn uống, sinh hoạt cũng gặp nhiều bất tiện vì quá chật.
Cách căn nhà hiện tại khoảng 5m, ông Kỳ còn đang sử dụng một căn siêu mỏng khác chưa tới 2m2. Đây là kho chứa đồ của gia đình. "Ban đầu tôi định sửa chữa thành nhà vệ sinh nhưng vì diện tích quá nhỏ nên chẳng thể làm được gì"- ông Kỳ thở dài, nói.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Kỳ đưa ra mảnh giấy sơ họa thửa đất và vị trí cũ của căn nhà lớn trước đó.
Ông Kỳ bức xúc trước việc ngoài diện tích đất hơn 50m2 bị thu hồi để mở rộng đường thì diện tích còn lại đang thuộc sở hữu của chủ chung cư: "Tôi là bộ đội chuyển ngành, làm việc và sinh hoạt tại nhà máy cơ khí Nông nghiệp 1 Hà Nội. Năm 1991, trong khi hoàn cảnh khó khăn, chưa có chỗ ăn ở, nhà máy lại chưa có nhà để cấp nên đã tạo điều kiện cho tôi xây dựng nhà 16m2 trên phần đất cũ của nhà máy.
Sau khi được phép, tôi xây nhà 16m2 trong khuôn viên đất xung quanh có tổng diện tích 63,3m2 và gia đình đã sử dụng ổn định, liên tục với mục đích để ở. Theo quy định của pháp luật, gia đình tôi đã đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với toàn bộ diện tích đất 63,3m2 và nhà ở trên đất."
"Giờ bị thu hồi, căn nhà chật chội, bí bách ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Tôi có tuổi rồi nên giờ sống như thế nào cũng được, nhưng nhìn con cái phải khổ theo như vậy tôi không đành. Nguyện vọng duy nhất lúc này, tôi mong muốn chủ đầu tư tòa chung cư và chính quyền địa phương cần có phương án bồi thường thích hợp đối với gia đình để sớm ổn định cuộc sống"- ông Kỳ bộc bạch.
Vào năm 2004, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án mở rộng ngõ 102 Trường Chinh để thuận tiện cho việc di chuyển từ đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh. Sau nhiều năm chậm tiến độ vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đến năm 2023, dự án mới hoàn thành.
Sau khi có phương án thu hồi diện tích đất 54m2 để mở rộng ngõ 102 đường Trường Chinh, năm 2021 UBND quận Đống Đa có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình. Theo đó, gia đình ông được hỗ trợ 1 căn hộ tái định cư với giá hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền 68 triệu đồng được hỗ trợ, bồi thường ông Kỳ phải nộp thêm hơn 1 tỷ 150 triệu đồng để nhận căn hộ tái định cư trên. Do số tiền bỏ ra quá lớn, ngoài khả năng nên ông không chấp thuận nhận nhà tái định cư. Ông Kỳ cho rằng số tiền đền bù là quá thấp, phương án đền bù dựa trên xác định không chính xác nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình nên ông không chấp nhận.
Lãnh đạo UBND phường Phương Mai xác nhận có hỗ trợ số tiền hơn 68 triệu đồng nhưng ông Kỳ chưa nhận. Vị này cho rằng phần diện tích đất này nằm hoàn toàn trên diện tích đất của tòa chung cư ở ngõ 102 Trường Chinh nên mong muốn chủ đầu tư tòa chung cư và ông Kỳ sớm tìm được tiếng nói chung về phần diện tích đất còn lại, có phương án đền bù, hỗ trợ thích hợp.