Ông cha ta đánh giặc: 'Mổ bụng' thủy lôi bảo vệ cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nằm trên Quốc lộ 1, có vị trí chiến lược quan trọng, là 'cán soong' của tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với tầm quan trọng đặc biệt, từ giữa thập niên 1960, giới quân sự Mỹ đã xác định cầu Hàm Rồng là một trong những mục tiêu trọng điểm cần phải tập trung đánh phá. Tổng thống Mỹ B.Johnson từng tuyên bố: “Đã đến lúc Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống Quân đội Việt Nam bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu thép mang tên Hàm Rồng cách Hà Nội 75 dặm về phía Nam”.

 Cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc-Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay ném bom đánh phá ác liệt trong một thời gian dài nhưng vẫn không sao phá được “điểm tắc lý tưởng”-cầu Hàm Rồng. Lúc 0 giờ 15 phút ngày 30-5-1966, ta phát hiện một máy bay C-130 thả một vật to theo dòng sông từ phía thượng lưu, cách cầu Hàm Rồng khoảng 3km. Sau đó xuất hiện những tiếng nổ và tiếng nổ ngày càng gần khu vực cầu Hàm Rồng. Khi trời sáng hẳn, ta quan sát trên mặt sông cách cầu Hàm Rồng 200m có một quả thủy lôi chưa nổ đang bị kẹt lại, không trôi được về phía cầu. Tỉnh đội Thanh Hóa phân công tổ công binh nhanh chóng xử lý quả thủy lôi để giữ an toàn cho cây cầu huyết mạch này.

Sáng 30-5-1966, tổ công binh đưa thủy lôi vào sát bờ sông. Một quyết định táo bạo được đưa ra: Tháo thủy lôi. Việc “mổ bụng” quả thủy lôi không hề đơn giản. Bởi vào thời điểm này, thủy lôi là loại vũ khí hoàn toàn mới mà đế quốc Mỹ dùng để phá hoại các mục tiêu trọng yếu trên sông nước ở miền Bắc nước ta. Sau khi tìm hiểu sơ qua về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, chiều 31-5-1966, cuộc tháo gỡ thủy lôi được thực hiện. Nhờ có sự hiệp đồng chặt chẽ và trao đổi kỹ thuật trong quá trình “phẫu thuật”, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, quả thủy lôi được tháo an toàn. Từ thời điểm ấy, ngoài việc ngăn chặn tác chiến, oanh kích đường không của địch, quân và dân ta còn phải “canh” thủy lôi để bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đến nay, nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vẫn băn khoăn: Tại sao trong nhiều năm, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa bị không quân Mỹ xác định là trọng điểm đánh phá, biết bao bom đạn trút xuống nhưng vẫn an toàn? Nghệ thuật quân sự độc đáo, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam và tinh thần chiến đấu quả cảm có lẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho câu hỏi trên.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-mo-bung-thuy-loi-bao-ve-cau-ham-rong-795466