Ông Châu sử dụng hiệu quả vốn chính sách
Ông Nguyễn Châu kể về quá trình sử dụng vốn chính sách của mình. Ảnh: LÊ HẢO
“Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tiếp sức, gia đình tôi mới làm ăn được như hôm nay. Vốn chính sách nếu sử dụng đúng chỗ thì hiệu quả lắm”.
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Châu (59 tuổi) ở thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu.
Đưa chúng tôi đi xem rẫy keo rộng 5ha gần đến kỳ khai thác ở vực Ông Hỉn (thôn Bình Thạnh), ông Châu cho biết: Hiện nay, giá gỗ keo đang giảm. Nếu bán hết gỗ ở rẫy keo này, gia đình sẽ thu được hơn 220 triệu đồng, còn nếu giá vẫn ở mức như trước đây có thể kiếm được đến 300 triệu đồng. Ngoài rẫy keo này, gia đình tôi còn một rẫy keo khác mới trồng rộng 0,8ha ở khu vực suối Bà Lan cũng thuộc thôn Bình Thạnh.
Để có được thành quả như hôm nay, gia đình ông Châu đã trải qua không ít gian khó. “Trước đây, nói đến nghèo thì không ai qua nhà tôi. Hai vợ chồng, rồi 5 đứa con nheo nhóc nhưng chỉ bám vào 2 sào ruộng nên luôn thiếu trước hụt sau. Tôi và vợ bảo nhau cố gắng làm lụng nuôi con, rồi khai hoang đất trồng chuối. Đến khi Nhà nước triển khai trồng rừng PAM, chúng tôi được hỗ trợ giống nên chuyển qua trồng keo. Ngặt nỗi keo chưa đến kỳ thu hoạch nhưng tiền ăn, rồi tiền học của con cứ chất chồng nên tôi phải bán bớt rẫy để trang trải chi phí trong gia đình”, ông Châu kể.
Cách đây hơn 10 năm, được sự hướng dẫn của Chi hội Nông dân thôn, ông Châu tiếp cận làm hồ sơ vay vốn học sinh sinh viên từ Phòng giao dịch NHCSXH TX Sông Cầu cho 3 đứa con lần lượt đi học. Ngoài ra, ông còn vay 30 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để trồng rừng. Sau khi hoàn trả vốn này, ông Châu tiếp tục vay 60 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế. Từ nguồn “vốn mồi” tín dụng chính sách, cùng với chăm chỉ lao động, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên rẫy keo, gia đình ông mới có được thành quả như hôm nay. Hiện các con ông Châu đều đã lập gia đình và có việc làm ổn định. Vợ chồng ông cũng có rẫy keo làm vốn nên cuộc sống không còn quá khó khăn như trước.
Khi được hỏi sau khi trả hết vốn hộ mới thoát nghèo thì có vay lại không, ông Châu cười cho biết: Nếu vay vốn thì phải có phương án làm ăn hiệu quả tôi mới dám vay. Tôi dự định thả nuôi dê hoặc heo đen dưới tán rừng để có thêm thu nhập nhưng nuôi như vậy chi phí con giống mất khoảng 100 triệu đồng, chưa kể phải làm rào chắn đàng hoàng để bảo vệ vật nuôi. Cộng với chi phí trồng lại keo sau khi bán gỗ khoảng 60-70 triệu đồng, rồi phải trả ngân hàng 60 triệu đồng tiền vay nữa. Tiền bỏ ra rất nhiều nhưng hiệu quả chưa biết tới đâu nên tôi còn phải suy nghĩ.
Theo ông Đặng Quốc Vương, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Bình Thạnh, dù gia đình khó khăn nhưng ông Châu chưa bao giờ chậm trả nợ ngân hàng. Đối với vốn học sinh sinh viên, ông vay cho con đi học, đến khi con ra trường là trả đủ. Vốn hộ cận nghèo, mới thoát nghèo cũng vậy. Ông Châu là người vay có uy tín, sử dụng vốn làm ăn hiệu quả nên ngân hàng tin tưởng giải ngân.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248424/ong-chau-su-dung-hieu-qua-von-chinh-sach.html