'Ông chồng quốc dân' dỗ vợ mới sinh đi bộ bằng cách trả hơn 300 nghìn đồng mỗi bước chân
Để khuyến khích vợ ra khỏi giường vận động sau khi sinh, anh Thạch ra giá 100 nhân dân tệ (khoảng 330 nghìn đồng) mỗi bước chân và thành công đưa cô đi bộ 20 phút.
Mới đây, một video ấm áp và thú vị về chuyện phục hồi chức năng cho sản phụ sau khi vượt cạn được cư dân mạng Trung Quốc lan truyền và cùng nhau thảo luận sôi nổi. Trong clip, người đàn ông họ Thạch ở tỉnh Cát Lâm muốn khuyến khích vợ - đang rất đau vì vừa trải qua ca mổ bắt con - ra khỏi giường và đi bộ nhiều hơn nên đã thực hiện trò chơi "trả 100 nhân dân tệ cho mỗi bước đi".
Trong video, anh Thạch chậm rãi dẫn vợ đi về phía trước, một tay cầm tờ tiền, tay kia chuẩn bị đưa tờ tiền khác. Với trò vui này, anh đã thành công trong việc “dụ” vợ đi lại trong 20 phút.
Hình ảnh đó khiến rất cư dân mạng tỏ ý ngưỡng mộ và cả ghen tị. Họ nhận xét: "Trò đùa nho nhỏ giữa hai vợ chồng thật dễ thương".
Anh Thạch cho biết, vợ anh vừa sinh mổ, các bác sỹ khuyên sản phụ cố gắng ra khỏi giường và vận động nhiều hơn, điều này rất cần thiết cho quá trình hồi phục sau ca mổ, tránh các biến chứng. Tuy nhiên, người vợ nói vết thương sẽ rất đau khi cô đi bộ, vì vậy cô ấy muốn chồng trả 100 nhân dân tệ (khoảng 330 nghìn đồng) cho mỗi bước đi. Anh chồng lập tức đồng ý với điều kiện này và vui vẻ dẫn vợ đi bộ 20 phút.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, trò chơi của anh chồng thành công không phải do chuyện tiền bạc: "Thật ra tiền không phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất là anh ấy luôn ở bên vợ, chiều chuộng cô ấy và hiểu cô ấy đang đau đớn, vất vả thế nào".
Một số bà mẹ từng sinh mổ chia sẻ, họ rất đau khi tử cung bị rạch để đón con chào đời, việc đi lại vận động sau đó là một nỗ lực vô cùng lớn. “Lúc đó thực sự rất đau đớn, nếu được cho 10.000 nhân dân tệ trong một bước thì tôi cũng không muốn đi”, một phụ nữ bình luận.
Theo các chuyên gia y tế, sản phụ nên ra khỏi giường và vận động nhẹ nhàng vào ngày thứ hai sau khi sinh mổ. Nếu họ luôn nằm trên giường, máu sẽ lưu thông chậm hơn khiến vết thương chậm lành. Sau phẫu thuật, máu ở trạng thái tăng đông, đây là yếu tố nguy cơ tạo thành huyết khối tĩnh mạch chân, gây đau, đỏ và sưng.