Ông chủ 'vét tiền dưỡng già' tặng khách ở trọ, người cùng hẻm
Khi dịch bùng phát, ông Giảng giảm 50% tiền thuê phòng. Dịch căng thẳng, ông liên tiếp miễn phí 3 tháng tiền nhà rồi 'vét' tiền túi phát cho mọi người.
Clip: Ông chủ trọ cầm tiền phát tặng khách thuê trọ và người dân sống cùng hẻm.
Ông chủ trọ hay khóc
Trong bộ đồ pijama, ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) ngồi lặng lẽ ở căn nhà nhỏ đầu dãy trọ của gia đình. Nếu không hỏi, không mấy ai biết ông chính là chủ phòng trọ vừa gây “sốt” cộng đồng mạng với clip chủ trọ cầm cọc tiền phát tặng cho người thuê.
Quản lý 2 dãy trọ với 15 phòng, ông Giảng được bà con xung quanh quý mến, gọi bằng cái tên thân thương là chú Tư. Ông hiền lành và có tật hay khóc. Mỗi khi gặp chuyện xúc động, ông đều rưng rưng nước mắt.
Lần gần đây nhất ông khóc là khi nhìn thấy cảnh những công nhân thuê trọ với mình gặp khó khăn vì dịch bệnh. “Thấy thương, chịu không nổi”, ông Giảng quyết định giảm tiền thuê trọ cho mọi người.
Ông Giảng quả quyết rằng, ở hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) này, phòng trọ của ông là rẻ nhất. Bình thường, mỗi phòng, ông cho thuê với giá 1,3 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, ông giảm 50% tiền thuê. Tháng 8, tháng 9, thấy khách thuê khổ quá, ông miễn luôn tiền nhà và “chỉ lấy tiền điện, nước để đóng cho Nhà nước”.
Tháng 10, ông Giảng bất ngờ thông báo tiếp tục miễn phí tiền nhà và cả tiền điện, nước cho tất cả những ai đang thuê trọ ở nhà mình. Ông nói: “Tôi làm vậy để họ an tâm đi làm vì có người được đi làm có người chưa. Nhưng dẫu có được đi làm thì chắc gì đã được lãnh lương liền. Như vậy, làm sao có tiền mà đóng”.
“Phải nghĩ cho họ chứ. Thôi thì miễn cho họ luôn để họ có tinh thần mà làm việc. Tinh thần rất quan trọng. Tinh thần thoải mái thì làm gì cũng tốt. Có như thế, họ mới làm việc hiệu quả để nuôi sống bản thân, chăm sóc gia đình”, ông nói thêm.
Suốt thời gian vừa qua, ngoài miễn, giảm tiền thuê phòng, ông Giảng còn cùng các con liên hệ với các mạnh thường quân để xin nhu yếu phẩm cho khách thuê trọ của mình, người dân sinh sống trong hẻm. Ngày 8/10, thấy bữa cơm của những gia đình ở trọ thiếu thịt, cá, ông Giảng “vét” tiền túi, xin thêm tiền con để phát tặng mọi người.
Không phân biệt sướng khổ, có con hay không, mỗi phòng trọ đều được ông gửi tặng 200.000 đồng. Thậm chí, ông cũng tặng tiền cho một số phòng trọ của chủ trọ khác cùng hẻm vì “ai cũng khổ như ai”.
“Hôm đó, chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ, được tôi gửi tặng số tiền gấp đôi so với mọi người. Đây là 2 F0 mới đi điều trị bệnh về. Tôi gửi thêm để họ an tâm tịnh dưỡng, lấy lại sức khỏe. Tôi cũng cho tiền một số chủ phòng trọ khác trong hẻm để họ thấy ai khổ thì gửi tặng. Tổng số tiền hôm đó là 16 triệu đồng”, ông Giảng kể.
“Làm được việc tốt như được tiêm mũi thuốc bổ”
Chị Trần Thị Huyền (25 tuổi, thuê trọ tại dãy trọ của ông Giảng) cho biết, chị từng ở trọ nhiều nơi nhưng “chưa có chủ trọ nào tốt bằng chú Tư”.
“Chú Tư miễn giảm tiền nhà trọ 3 tháng, cho gạo, mì gói, nước tương, rau củ quả. Mấy hôm trước, chú còn cho tiền nữa. Được chủ trọ quan tâm, gia đình tôi rất an tâm nên quyết định không về quê”, chị Huyền nói.
Cũng như chị Huyền, nhiều gia đình đang thuê trọ khác cũng khẳng định, suốt thời gian dịch bệnh, họ đều được “chú Tư đối đãi, chăm lo như người nhà”. Hỏi nguyên nhân hay làm việc thiện, đôi mắt ông Giảng lại ửng đỏ.
Ông rưng rưng một hồi rồi nói mình “bước ra” từ nghèo khổ nên rất đồng cảm, thương những cảnh đời khó khăn. Thời trai trẻ, sau khi kết hôn, ông về quê vợ ở Bến Tre sinh sống. Không quen việc ruộng vườn, ông dắt díu vợ con lên TP.HCM tìm kế sinh nhai.
Đó cũng là khoảng thời gian vợ chồng ông sống trong nghèo túng, cơ cực phải làm thuê để nuôi con. Ông khổ đến nỗi phải cắn răng chấp nhận cho con cái nghỉ học dù trước đó, ông luôn tin rằng, học vấn chính là chìa khóa mở ra mọi con đường tương lai.
Gần như cả đời gắn liền với khốn khó, mỗi khi thấy ai đói khổ, ông Giảng lại đồng cảm, xót xa như chính mình đang sống lại những năm tháng cũ. Thế là ông lại tìm cách giúp đỡ.
Những ngày dịch giã, ngoài chăm lo cho khách thuê trọ, ông tự nguyện hỗ trợ chính quyền địa phương phân phát gạo cho người dân. Đã gần 80 tuổi nhưng ông phát gạo quên ăn, quên nghỉ.
Thậm chí, chiều về, ông vẫn khoe với mọi người là thấy khỏe hơn ngồi không. Ông đùa: “Tôi làm từ sáng đến chiều không ăn cơm mà vẫn thấy no. Với tôi, làm được một việc tốt như được tiêm một mũi thuốc bổ. Lúc ấy, tôi thấy tinh thần thoải mái, người thấy trẻ, khỏe ra thêm”.
Bài, ảnh: Nguyễn Sơn