Ông chủ vịt vạn con trên bước đường hoàn lương
Trở về với xã hội sau sai lầm tuổi trẻ, Trần Đình Trường đã vượt khó vươn lên làm giàu chân chính, góp sức mình dựng xây quê hương. Mở ra một tương lai 'sạch', tươi sáng hơn bằng chính mồ hôi công sức của mình.
Sai lầm của tuổi trẻ
Trần Đình Trường lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và cát ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Gia đình Trường cũng làm nông như bao người, quanh năm chẳng thoát ra khỏi sự vất vả, túng thiếu.
Ngày đó, Trường làm bảo vệ cho một công ty ở huyện Thạch Hà, đồng lương không cao nhưng cũng đủ để nuôi sống mình. Trường nghĩ đó là bước đệm để mình “ổn định” trước khi tính thêm những đường phát triển khác. Nhưng rồi mọi dự định đều dang dở khi trong giây phút bốc đồng, Trường sa chân vào tù tội.
Anh Trần Đình Trường bên trang trại nuôi vịt của mình
Trùng giọng khi kể về quá khứ, Trường cho hay tháng 10/2005, lúc 27 tuổi, do mâu thuẫn với một số công nhân trong công ty mình bảo vệ, anh gọi thêm bạn bè cùng quê đến đánh dằn mặt trả thù. Sau trận ẩu đả khiến một người công nhân nhập viện, Trường cùng 9 người khác bị bắt.
Là chủ mưu, Trường bị TAND huyện Thạch Hà tuyên mức án cao nhất - 2 năm tù. Những người liên quan lĩnh vài tháng tù treo đến 1 năm 3 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
“Thời điểm đó đối với tôi là một cú sốc nặng, bản thân không chỉ đi tù mà còn khiến một số bạn bè phải chung cảnh ngộ, vợ thì mới cưới đang mang bầu.... Một thời gian dài tôi sống với sự dằn vặt, thực sự rơi vào bế tắc”, anh Trường cho hay.
Quá trình ở trại, được sự động viên của cán bộ quản giáo, dần dần Trường thoát ra được những dày vò bản thân, từ kẻ “buông lơi, bất cần”, Trường đã cố gắng chấp hành tốt các quy định cũng như công việc mà trại giao.
Ngoài ra, điều làm Trường thay đổi, gắng cải tạo tốt còn đến từ người vợ mới cưới của mình. “Bụng mang dạ chửa” nhưng hàng tháng cô giáo trẻ Dương Thị Hiền đều đặn vào thăm chồng, những giây phút gặp gỡ ít ỏi, chị chỉ khuyên chồng cố gắng cải tạo tốt sớm được ân xá để trở về gồng gánh cùng vợ con.
“Những ngày trong trại là chuỗi ngày đầy day dứt, khi lấy lại được tinh thần tôi luôn cố gắng, cố gắng gấp đôi, gấp ba để sớm được làm lại cuộc đời. Nghĩ đến cảnh vợ bầu bí không có chồng chăm sóc, đồng lương giáo viên ít ỏi phải làm thêm đủ nghề…Buồn mà đau lắm”, Trường xúc động nói.
Quá trình ở trại, sau khi được nhận xét là phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, Trường cùng với các phạm nhân khác được đến lao động tại phân trại ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Có lẽ đây cũng là cuộc gặp gỡ “định mệnh” giữa Trường và một người tên Sơn làm trang trại nuôi gia cầm gần sông Già. Khi Trường trò chuyện và bâng quơ hỏi: "Bây giờ nuôi con gì thì hiệu quả?". Người đàn ông tên Sơn nhìn Trường cười và trả lời "con vịt".
Trại vịt của anh tạo ra thu nhập ổn định cho bản thân và nhiều hộ gia đình khác
Ông chủ trại vịt vạn con trên bước đường hoàn lương
Nhờ cải tạo tốt, Trường được đặc xá, ra tù trước thời hạn 4 tháng. Trở về nhà, Trường lên kế hoạch vào miền Nam làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình song bố mẹ khuyên ở quê ruộng vườn nhiều, nếu chăm chỉ lao động thì "cuộc sống cũng không đến nỗi". Vợ lúc này đã sinh con, cũng không muốn chồng đi xa. Suy nghĩ nhiều ngày, anh quyết định đứng lên từ nơi vấp ngã, ở lại quê lập nghiệp với nghề nuôi vịt.
Được chính quyền cho thuê lại khoảng 5.000 m2 đất ruộng ở thôn Bắc Văn, Trường vay bạn bè, họ hàng 20 triệu đồng xây hệ thống chuồng trại, mua 500 con vịt giống "nuôi thử".
Vừa nuôi vừa học hỏi, vịt giống bị chết dần, thu nhập bấp bênh khi tiền bán trứng không đủ để trả nợ. Sau hai năm, mọi việc bắt đầu thuận lợi khi trang trại kết nối được với nhiều đối tác. Đầu ra cho trứng vịt dần ổn định.
Đến nay, anh Trường sở hữu hơn một vạn con vịt giống, mỗi năm thu nhập hơn một tỷ đồng tiền bán trứng, sau khi trừ các chi phí. Trại có 6 nhân công làm việc thường xuyên, lương mỗi tháng 6-11 triệu đồng.
Ông chủ giờ đã chuẩn bị sẵn diện tích đất hơn 6.000 m2 trong xã, dự định nuôi thêm hàng vạn con vịt để tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng, phát triển kinh tế địa phương.
Người đàn ông 43 tuổi tâm sự, bản thân tôi “mất” mấy năm nhưng bây giờ ngẫm lại thì có “được” cho chính mình nhiều thứ. Cái “được” lớn nhất đó là niềm tin của người thân, xã hội đối với tôi, một người lầm lỡ không có nghĩa họ sẽ mang tội suốt đời. Cái “được” nữa là mình có những khoảng thời gian thấm thía để sống chậm lại, nhìn nhận được sự đúng sai rạch ròi, kiềm chế được bản thân trong mọi tình huống.
Anh Trần Đình Trường
"Tôi luôn chia sẻ câu chuyện vấp ngã của mình với rất nhiều người để biết mà tránh. Bởi khi mình đi tù, người chịu khổ và áp lực nhất chính là thân nhân", anh Trường nói.
Trao đổi với báo chí, Bí thư Đảng ủy xã, bà Trần Thị Hoa, cho biết: Trần Đình Trường là trường hợp tái hòa nhập cộng đồng rất tốt, bản thân Trường quyết tâm "làm lại cuộc đời" bằng những việc làm hiệu quả và sự nỗ lực chứ không chỉ là lời nói suông. Bây giờ Trường không chỉ tạo ra thu nhập lớn, ổn định cho mình và còn tạo công ăn việc cho nhiều hộ gia đình khác. Đóng góp lớn cho sự xây dựng phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ong-chu-vit-van-con-tren-buoc-duong-hoan-luong-197773.html