Ông Đặng Văn Hiếu: Trồng thuốc Nam làm từ thiện

Mỗi năm, vườn thuốc Nam của gia đình ông Đặng Văn Hiếu (55 tuổi, ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cung cấp nhiều loại cây thuốc cho các cơ sở Đông y trong và ngoài huyện để phục vụ việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.Vườn thuốc Nam của ông Hiếu rộng hơn 3 công đất, với chi chít các tên thuốc được dán dưới mỗi gốc cây. Ông Hiếu cho biết, có những cây thuốc trông rất bình thường nhưng lại có công dụng trị bệnh diệu kỳ, như cây giải quạt, khi bị ho chỉ cần nhổ cây, rửa sạch, ăn phần rễ thì cổ họng ấm nóng, hết ho ngay, hay như củ sâm đại hành trị vết thương chảy máu, cây cơm cháy chữa thần kinh tọa, huyết áp cao…

Ông Hiếu chăm sóc vườn thuốc Nam và cho biết công dụng các cây thuốc Nam.

Hiện vườn thuốc Nam của gia đình ông Hiếu có hơn 100 loại cây thuốc quý như: Xạ đen, an xo, huỳnh kỳ, đỏ ngọn, cần sen, vối, mật ngọc, ngũ da bì, gối hạt...

Tất cả các loại cây thuốc này đều được ông sưu tầm ở khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc, như các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, rừng Trường Sơn, đảo Phú Quốc hay các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, An Giang...

Đặc biệt, vườn thuốc Nam được gia đình ông Hiếu trồng chỉ cung cấp cho các cơ sở Đông y trong và ngoài huyện để phục vụ khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Hơn 4 năm qua, mọi công việc ruộng vườn (14 công đất ruộng, vườn) của gia đình ông Hiếu gần như giao hết cho vợ con lo liệu. Ngày nào cũng vậy, ông Hiếu đi khắp nơi để tìm kiếm cây thuốc Nam về phân loại, trồng, chăm sóc để hiến tặng các cơ sở điều trị bệnh Đông y, bốc thuốc Nam làm từ thiện.

Đôi khi các cơ sở Đông y, bốc thuốc Nam hỗ trợ chi phí cho ông Hiếu trong việc tìm kiếm cây thuốc Nam nhưng ông không nhận.

Ông Hiếu tâm niệm: “Sống trong xã hội nếu không làm được việc này thì làm việc khác để giúp ích cho mọi người. Thật tình mà nói, phần lớn người dân khá giả, có điều kiện ít ai đến các cơ sở Đông y để điều trị bệnh, chủ yếu là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đây, mỗi lần đến các cơ sở này nhìn thấy người nghèo đến khám bệnh, bốc thuốc Nam để uống, tôi thương cảm vô cùng. Chính vì thế, tôi quyết tâm trồng thuốc Nam để hỗ trợ các cơ sở Đông y có điều kiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Giúp đỡ được cho người nghèo là tôi cảm thấy an vui, thanh thản”.

Dù nền y học, nhất là Tây y ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng y học cổ truyền vẫn phát huy giá trị trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, việc phát triển vườn thuốc Nam cung cấp dược liệu cho các cơ sở Đông y chữa bệnh miễn phí cho người nghèo của ông Hiếu rất đáng trân quý.

CHIÊU NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202103/ong-dang-van-hieu-trong-thuoc-nam-lam-tu-thien-920811/