Ông Đoàn Ngọc Hải tặng lại Huân chương Lao động: Pháp luật quy định thế nào?

Mới đây, ông Đoàn Ngọc Hải tặng Huân chương Lao động hạng ba của mình cho 1 mạnh thường quân. Hành động của ông Hải lập tức gây nhiều tranh cãi và đặt câu hỏi: Vậy pháp luật quy định thế nào về việc này?

Vừa qua, trên Facebook cá nhân, ông Đoàn Ngọc Hải viết: “Tôi đến gặp em ruột của bạn Nguyễn Thành Văn tiếp nhận 850 triệu đồng để ủng hộ đồng bào nghèo. Cụ thể là em Nguyễn Thành Văn chung sức với nghệ sĩ hài Việt Hương mua một chiếc xe cứu thương loại tốt để tôi phục vụ đồng bào nghèo”.

“Để tri ân tấm lòng của em Nguyễn Thành Văn, tôi đã tặng em tấm Huân chương Lao động hạng Ba của cá nhân tôi mà tôi đã gìn giữ rất kỹ suốt 7 năm nay. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng tôi năm 2014” - ông Hải chia sẻ.

Ngay sau khi ông Hải đăng tải thông tin, dư luận hình thành 2 luồng ý kiến tranh luận trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy việc tặng lại Huân chương có được luật pháp cho phép? Pháp luật nhà nước quy định thế nào về việc này?

Ông Đoàn Ngọc Hải đem Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho người khác. (Ảnh: Facebook cá nhân)

Ông Đoàn Ngọc Hải đem Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho người khác. (Ảnh: Facebook cá nhân)

Theo Điều 88 Luật Thi đua Khen thưởng 2003 quy định: “Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng".

Nhưng theo Khoản 2, Điều 77 Nghị định 91/2017 hướng dẫn một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng 2003, cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy phải hiểu những quy định này thế nào cho đúng? PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật Sông Lam (Nghệ An) để làm rõ vấn đề này.

Theo luật sư, các hiện vật khen thưởng cũng là tài sản, cá nhân có quyền định đoạt theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật cấm là cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc ông Đoàn Ngọc Hải tặng Huân chương Lao động của cá nhân ông cho người khác để tri ân nghĩa cử vì cộng đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, theo nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Mặt khác, động cơ, mục đích của việc làm nói trên là tốt đẹp, trong sáng, đáng ghi nhận.

"Pháp luật không cấm việc cá nhân, tập thể được khen thưởng tặng, cho hiện vật khen thưởng” - luật sư Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng VP Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Điều 42 Luật Thi đua Khen thưởng 2003 quy định: "Huân chương Lao động" để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc.

Bởi vậy, dù pháp luật không cấm việc cá nhân nhận Huân chương Lao động trao tặng lại cho cá nhân, tổ chức khác nhưng hành động này của ông Hải có thể khiến cho chiếc huân chương không còn đầy đủ ý nghĩa như ban đầu.

"Huân chương Lao động gắn liền với quyền nhân thân của cá nhân được Chủ tịch nước tặng, cụ thể là ghi nhận thành tích đóng góp của ông Hải vào năm 2014. Vì quyền nhân thân gắn liền với ông Hải nên khi ông ấy trao tặng lại huân chương cho người khác dù vì bất cứ mục đích nào cũng khiến người khác cảm thấy có phần phản cảm" - luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.

Hiểu Lam

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ong-doan-ngoc-hai-tang-lai-huan-chuong-lao-dong-phap-luat-quy-dinh-the-nao-1525641.html