Ông Doãn Tới mạnh tay gom cổ phiếu giữa lúc ANV lao dốc

Nếu hoàn tất giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Doãn Tới tại Nam Việt sẽ tăng từ 53,85% lên 54,98% vốn điều lệ. Với mức giá thị trường hiện tại, ước tính vị lãnh đạo này sẽ chi ra khoảng 39,9 tỷ đồng cho thương vụ mua vào.

Trong bối cảnh cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt liên tục giảm sâu, ông Doãn Tới – Tổng giám đốc kiêm cổ đông lớn nhất của công ty – đã đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Động thái này diễn ra ngay sau khi mã cổ phiếu ANV ghi nhận ba phiên giảm sàn liên tiếp, với tổng mức giảm lên tới gần 20%, từ mức 16.500 đồng về 13.300 đồng/cổ phiếu.

Theo thông báo từ công ty, giao dịch của ông Doãn Tới dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 11/4 đến ngày 10/5. Nếu hoàn tất giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Tới tại Nam Việt sẽ tăng từ 53,85% lên 54,98% vốn điều lệ. Với mức giá thị trường hiện tại, ước tính vị lãnh đạo này sẽ chi ra khoảng 39,9 tỷ đồng cho thương vụ mua vào.

Đáng chú ý, việc cổ phiếu ANV giảm mạnh diễn ra ngay sau khi Mỹ công bố áp dụng mức thuế cao lên nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, bao gồm cả cá tra – mặt hàng chủ lực của Nam Việt. Những lo ngại về rào cản thương mại cùng triển vọng xuất khẩu kém khả quan đã tạo áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, khiến cổ phiếu ANV chịu áp lực bán mạnh.

Trong năm 2024, Nam Việt ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực khi doanh thu thuần chỉ đạt 4.439 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh tới 92%, xuống còn 64 tỷ đồng – chỉ bằng 10,8% so với kế hoạch lợi nhuận mà công ty đặt ra từ đầu năm. Diễn biến này phản ánh những khó khăn sâu rộng trong ngành thủy sản, khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm và giá bán không đủ bù đắp chi phí.

Mặc dù vậy, bước sang năm 2025, Nam Việt vẫn đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Cụ thể, công ty hướng tới tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 12% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến lên tới 360 tỷ đồng – gấp 5,6 lần kết quả năm 2024. Kế hoạch này được xây dựng trên giả định về sự phục hồi của thị trường tiêu thụ quốc tế cũng như xu hướng cải thiện giá bán.

Tuy nhiên, với những bất ổn từ chính sách thương mại của Mỹ – một thị trường xuất khẩu chủ lực – áp lực hiện tại cho thấy mục tiêu lợi nhuận này sẽ là một bài toán không hề đơn giản. Việc lãnh đạo doanh nghiệp chủ động mua vào cổ phiếu trong giai đoạn cổ phiếu giảm mạnh có thể được xem là động thái thể hiện niềm tin vào khả năng phục hồi trong trung và dài hạn, đồng thời phần nào củng cố tâm lý cho nhà đầu tư trên thị trường.

N.H

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/ong-doan-toi-manh-tay-gom-co-phieu-giua-luc-anv-lao-doc-140084.html