Ông Donald Trump bị các ngôi sao âm nhạc phản đối ra sao?
Trước khi gây chú ý với điệu nhảy trên nền 'Y.M.C.A.', ông Donald Trump từng đối mặt với làn sóng chỉ trích, thậm chí bị dọa kiện khi sử dụng các ca khúc của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Ca khúc chủ đề được Tổng thống Donald Trump sử dụng trong hầu hết cuộc vận động giữ lại chiếc ghế ở Nhà Trắng là Y.M.C.A. - bài hát nổi tiếng năm 1978 của nhóm Village People.
Tuy nhiên, trước khi được Village People đồng ý cho phát bản disco, tổng thống đương nhiệm phải "chật vật" tìm kiếm ca khúc vận động tranh cử. Khác với ông Joe Biden, Trump không được lòng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo AP, trong quá khứ, có hơn 15 nghệ sĩ cấm và dọa kiện Donald Trump nếu ông tiếp tục sử dụng ca khúc của họ.
Từ rocker gạo cội đến hậu duệ của những ngôi sao quá cố
Không chỉ phản đối, nhiều rocker cho rằng thật mỉa mai và sai lầm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn ca khúc của họ.
Giữa tháng 10, nghệ sĩ guitar John Fogerty đã gửi thư cho chiến dịch tranh cử của Trump, yêu cầu họ ngừng sử dụng Fortunate Son của CCR tại các cuộc vận động.
Phil Collins yêu cầu phía Trump ngừng sử dụng In the Air Tonight sau khi ca khúc được phát trong cuộc vận động ở tiểu bang Iowa. Nhiều người cho rằng việc đám đông không đeo khẩu trang và liên tục hò hét theo ca khúc là quá nguy hiểm khi đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành.
Bruce Springsteen - rocker gần đây tuyên bố sẽ sang Australia sinh sống nếu ông Trump tái đắc cử - từng phản đối tổng thống Mỹ sử dụng Born in the USA như bài ca yêu nước, trong khi ca khúc thực chất giống như bản cáo trạng về binh lính Mỹ trong thập niên 1970.
Hồi tháng 8, ca sĩ Neil Young đã đệ đơn kiện chiến dịch tranh cử của Trump khi sử dụng ca khúc Rockin' in the Free World. Ngôi sao 75 tuổi cho rằng ông không chấp nhận tổng thống Mỹ dùng tác phẩm của mình.
Đến tháng 9, Tổng thống Trump tiếp tục bị ca sĩ Eddy Grant kiện khi sử dụng Electric Avenue làm nhạc nền trong video bôi nhọ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Trước đó, đầu tháng 6, vợ và con gái của Tom Petty cáo buộc ông Trump sử dụng ca khúc I Won't Back Down của ca sĩ quá cố mà không xin phép gia đình.
Đại diện pháp lý của ca sĩ Price và Leonard Cohen cũng lên án tổng thống đương nhiệm vì sử dụng ca khúc của người quá cố trong các cuộc vận động.
Nhóm nhạc R.E.M. từng lên tiếng bày tỏ thái độ giận dữ khi biết âm nhạc của họ được ông Trump sử dụng trong các cuộc vận động. AP cho biết chiến dịch tranh cử của tổng thống Mỹ nhiều lần dùng Losing My Religion, Everybody Hurts và It’s the End of the World as We Know It của nhóm nhạc alternative.
Ca sĩ Axl Rose cũng bày tỏ sự tức giận khi nhiều ca khúc của nhóm Guns N' Roses, trong đó có bản hit Sweet Child O' Mine, được phát cho những người xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử của Donald Trump.
Nghệ sĩ Anh chỉ trích ông Trump
Với các nghệ sĩ Anh bị chiến dịch tranh cử của ông Trump sử dụng ca khúc nhưng chưa xin phép, họ cũng lên tiếng phản đối.
Bài hát You Can’t Always Get What You Want được ông Trump sử dụng trong các cuộc vận động trong suốt thời gian dài. Điều này khiến các thành viên nhóm The Rolling Stones phật lòng. Đầu tháng 8, họ dọa kiện ông Trump vì sử dụng ca khúc bất hợp pháp.
Năm 2016, tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, Here Comes the Sun của The Beatles được sử dụng làm ca khúc chủ đề. Hậu duệ và đại diện pháp lý của George Harrison - tác giả, đồng thời là cựu thành viên nhóm nhạc nổi tiếng - đã lên tiếng chỉ trích, gọi đây là hành động "xúc phạm, chống lại mong muốn của gia đình Harrison".
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes, nữ ca sĩ Adele thẳng thừng tuyên bố cô nói "tạm biệt" thay vì xin chào (tựa đề một ca khúc nổi tiếng của cô) với ông Trump. Ngôi sao người Anh bức xúc vì chiến dịch tranh cử của Donald Trump sử dụng bừa bãi ca khúc Rolling in the Deep và Skyfall của họa mi nước Anh.
Nghệ sĩ đương đại cấm ông Trump sử dụng nhạc
Theo AP, phần lớn nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ hoạt động ở Hollywood đều lên tiếng yêu cầu Trump ngừng sử dụng ca khúc của họ.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Brendon Urie từng đăng lên trang cá nhân dòng trạng thái với từ ngữ dung tục sau khi phát hiện ông Trump sử dụng ca khúc High Hopes của nhóm Panic! at the Disco trong chiến dịch vận động ở thành phố Phoenix, bang Arizona. "Tôi không chào đón ông. Ông hãy ngừng sử dụng ca khúc của chúng tôi đi", Urie viết trong bài đăng.
Pharrell Williams viết thư yêu cầu tổng thống Mỹ ngừng sử dụng Happy, sau khi nam ca sĩ phát hiện ông sử dụng bài hát này trong cuộc vận động từ năm 2018. Theo AP, ngôi sao sinh năm 1973 đã tức giận khi sự kiện này diễn ra chỉ vài giờ sau vụ xả súng hàng loạt ở Pittsburgh.
Cũng trong năm 2018, Rihanna thẳng thắn lên tiếng yêu cầu ông Trump ngừng sử dụng ca khúc Don't Stop the Music trong các cuộc vận động.