Ông già Chín trong tim kiều bào Thái Lan
Thời gian hoạt động cách mạng ở Thái (1928-1929), Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn..., nhưng Thầu Chín (Ông già Chín) vẫn là cái tên thân mật nhất và đầy yêu thương đối với kiều bào dù những kỷ niệm ấy họ chỉ được nghe ông bà và cha mẹ mình kể lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và kiều bào Thái. (Ảnh tư liệu)
So với hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, quãng thời gian mà Nguyễn Ái Quốc ở lại trên đất Thái không lâu nhưng hình ảnh của Người lại ghi được dấu ấn rất sâu đậm trong tâm thức của những người con đất Việt...
Từ Nakhon Phanom...
Trong câu chuyện được ông nội kể lại, bà Lê Thị Hường – Hội trưởng Hội người Việt Nam ở làng Nachok (Bản Mạy), tỉnh Nakhon Phanom biết rằng thời điểm đó gần như bà con kiều bào không ai biết Thầu Chín chính là Nguyễn Ái Quốc. Họ chỉ biết đó là một ông già Việt giản dị, chịu thương chịu khó, luôn nhẹ nhàng hòa giải các khúc mắc cho bà con và quan tâm tới việc học tiếng Việt. Bà Hường tự hào vì có bà nội từng đùm bọc và giúp đỡ Bác trong thời gian sinh sống tại đây. Bởi vậy, dù nay đã 70 tuổi bà vẫn muốn nối tiếp truyền thống gia đình bằng việc tổ chức lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào như tâm nguyện của Người.
Ở lớp học giản dị của bà, hằng ngày các học sinh cùng nhau ngân vang bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sĩ Phong Nhã. Vào những ngày lễ lớn như sinh nhật của Bác, cô giáo già thường mua rất nhiều kẹo và gọi đó là “kẹo Bác Hồ” để phát quà cho các em. Đây cũng là cách bà gieo vào lòng con cháu tình yêu dành cho quê hương và niềm tự hào về người lãnh tụ đáng kính của dân tộc.
Không chỉ có các lớp học tiếng Việt, bản Mạy còn có Làng hữu nghị Thái - Việt được thành lập từ năm 2004. Nơi đây vào các dịp lễ tết, bà con Việt kiều lại quây quần bên nhau để thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Ngoài ra, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người (19/5/2016) và nhanh chóng trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước.
Ông Trịnh Cao Sơn - Chủ tịch Hội Thái - Việt tại Nakhon Phanom cho biết: “Trong trái tim của mỗi kiều bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người thầy, người cha hiền hòa, kính mến, một vĩ nhân đã hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho dân tộc. Chính những lời dạy của Bác, phong cách giản dị của Người là tấm gương sáng giúp bà con kiều bào tại Thái Lan thêm đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau”.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nakhon Phanom. (Ảnh: Hội người Việt Nam toàn Thái)
... đến Udon Thani
Với các thế hệ kiều bào tại làng Nọng Ổn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani, hình ảnh ông già Chín cùng đào giếng, lội ruộng, làm vườn, chăn nuôi lợn gà… ngày nào vẫn như được sống lại ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tác phong giản dị trong cuộc sống của Người đã cổ vũ tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác cũng như Việt Nam.
Đến thăm khu di tích (khánh thành từ năm 2011), người tham quan như được trở về nơi in dấu bao kỷ niệm của Bác trong từng gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt, kho thóc... Tất cả hiện vật đều do bà con kiều bào đóng góp xây dựng bằng cả tấm lòng và sự tôn kính Người.
Là thế hệ kiều bào thứ hai lớn lên trên mảnh đất này, ông Lương Xuân Hòa - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan luôn được cha mẹ giáo dục về văn hóa truyền thống và được nghe kể chuyện về Người.
Năm 2018, khi về Hà Nội cùng đoàn kiều bào tiêu biểu của Thái, ông Lương Xuân Hòa cũng đã tới thăm ngôi chùa Hoằng Ân tại Hà Nội và thắp hương trước vong linh Hòa thượng Phạm Ngọc Đạt (hiệu Bình Lương), Trưởng phái An Nam Tông đời thứ 8 tại Thái Lan - người đã che giấu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn bị thực dân Pháp lùng bắt.
“Điều chúng tôi luôn được khích lệ là khi dừng chân tại Udon Thani, Bác Hồ đã lập trường dạy tiếng Việt để cộng đồng người Việt luôn đoàn kết và gìn giữ cội nguồn văn hóa của dân tộc. Hình ảnh Bác luôn in đậm trong lòng bà con nên khi Người mất, mỗi gia đình chúng tôi tại đây đều lập ban thờ Bác tại nhà riêng”, ông Hòa chia sẻ.
Không riêng gì kiều bào ở Nakhon Phanom và Udon Thani, hàng năm cứ mỗi dịp tháng Năm, kiều bào ở khắp Thái Lan lại cùng nhau tham gia các hoạt động tưởng nhớ đến Người. Với bà con xa quê, đây không chỉ là dịp dâng nén hương tri ân vị cha già kính yêu của dân tộc, báo công với Bác những hoạt động của người Việt tại Thái mà còn là một ngày hội đầy ý nghĩa.
Trong chuyến về thăm quê hương gần đây, Việt kiều Đặng Văn Dũng tâm sự rằng, khi tập nói được hai từ “ba” và “mẹ” cũng là lúc ông phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”. Trong thâm tâm ông khắc ghi mình là người con Việt Nam và nguyện sống xứng đáng với niềm tin của Bác đối dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Giống như ông, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tỉnh Loei Trần Quang Hiển cũng luôn hướng về quê hương và thực hiện tâm nguyện của Bác bằng cách vừa học và vừa dạy lại tiếng Việt cho lớp trẻ kiều bào suốt hơn 10 năm qua.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ong-gia-chin-trong-tim-kieu-bao-thai-lan-115574.html