Ông già và biển cả: Bản hùng ca về sức mạnh và ý chí của con người

Hemingway (1899 - 1961) là nhà văn Mĩ đã chinh phục bạn đọc nhiều nước trên thế giới với một lối viết hiện đại, có khả năng miêu tả dòng tâm tư của nhân vật, đi sâu thể hiện những bí ẩn nội tâm của con người.

Nhà văn nổi tiếng Hemingway.

Nhà văn nổi tiếng Hemingway.

Với một lối viết giản lược, lời chật mà ý rộng, văn của Hemingway tạo ra những mạch ngầm văn bản và dòng chảy ngữ nghĩa bất tận, những khoảng trống không lời trong lòng người đọc.

“Ông già và biển cả” là một tiểu thuyết ngắn được ra đời vào năm (1952) đã đưa tên tuổi Hemingway thành nhà văn vị trí số một thế giới tại thời điểm đó. Năm 1954, ông được nhận giải thưởng danh giá Nobel Văn học cũng nhờ tác phẩm này. Tác phẩm kể về chuyến hành trình chinh phục biển cả và đại dương bao la của ông lão Santiago “Lão đã già, một mình, một thuyền câu cá trên dòng nhiệt lưu, đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được một mống cá nào”.

Không nản chí, ông lão lại tiếp tục ra khơi. Lần này, lão câu được con cá kiếm khổng lồ và bị nó kéo đi rất xa. Sau ba ngày hai đêm ròng rã vật lộn với con cá kiếm, lão cũng chinh phục được nó và xác định giương buồm quay về phía đất liền. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa dừng lại. Trên đường về, lũ cá mập đã tấn công con cá kiếm. Ông lão Santiago đã bị đánh bại. Ông chẳng còn gì ngoài bộ xương của con cá khổng lồ.

Với tâm niệm “viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”, “Ông già và biển cả” xứng danh là tác phẩm kinh điển mọi thời đại, mở ra nhiều tầng nghĩa cho người đọc về: Một cuộc kiếm tìm con cá lớn nhất, đẹp nhất đời; về sự cô độc, rủi ro, ý chí, sức mạnh của con người trên hành trình theo đuổi khát vọng do chính mình tạo ra; những thể nghiệm về thành công và thất bại, vận may và vận rủi theo cách nghĩ của mỗi người; về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên...

Khát vọng chinh phục thiên nhiên

Tiểu thuyết xoay quanh hình tượng nhân vật ông lão Santiago. Santiago hiện lên với phẩm chất của con người đơn độc, đơn độc đến tuyệt đối. Nơi làng vạn chài kia, lão chẳng có ai là bầu bạn cả ngoài cậu bé Manolin. Bốn mươi ngày đầu, cậu bé còn đi câu cùng lão nhưng sau đó, do không bắt được mống cá nào nên bố mẹ bắt cậu đi câu thuyền khác. Kể từ đó, Santiago đi câu một mình. Trên mặt biển bao la, con thuyền câu của lão cũng chỉ đơn độc. Biển cả không còn lấy “một lá buồm, một bóng thuyền hay một làn khói tàu nào cả... lão cũng không thấy ngay cả một cánh chim”.

Không những đơn độc, ông lão còn có thể trạng yếu, “mọi thứ trên người lão đều toát vẻ già nua, ngoại trừ đôi mắt”. Trong không gian đó, mọi lợi thế thuộc về con cá kiếm. Biển cả thật sự là môi trường “tinh khiết” chứng kiến một trận đấu sòng phẳng giữa ông lão và con cá khổng lồ nhằm ghi nhận tầm vóc phi thường, sức mạnh vô biên, vẻ đẹp cao thượng của hai đối thủ mà không có thể lực nào ngăn cản được.

Đối thủ của ông lão là con cá kiếm sở hữu những vẻ đẹp tuyệt mỹ của đại dương thăm thẳm và bao la. Khi con cá đã lượn vòng, lão “nom thấy cái đuôi nó nhô ra khỏi mặt nước. Cái đuôi lớn hơn cả lưỡi hái, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm... Nó lại lặn xuống và ông lão thấy thân hình đồ sộ và những sọc màu tía trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”. Cách chiến đấu của con cá kiếm cũng thật khôn ngoan. Khi bị mắc câu, thay vì trồi lên, con cá kiếm điềm tĩnh kéo ông lão dọc ngang trên bờ biển, lượn gần lượn xa buộc ông lão gần như phải vắt kiệt sức lực.

Dốc hết toàn bộ sức lực của cơ thể, bằng đôi chân già nua, đôi tay rách nát và thân xác rã rời mỏi mệt, ông lão đã chiến đấu vật lộn với con cá kiếm. Con cá với độ dài đến mức Santiago không thể tin nổi và cân nặng chắc phải hơn nửa tấn đã khiến ông lão hoa mắt cả tiếng đồng hồ, mồ hôi xát muối vào mắt, choáng váng và chóng mặt, và xây xẩm cả mặt mày để vật lộn, giằng co. Con cá cứ kéo và ông lão cứ giữ. Cả hai cố làm kiệt sức để hủy diệt lẫn nhau.

Bằng sự điêu luyện của tay nghề đã giúp ông lão cảm nhận được áp lực sợi dây hơi chùng, biết được con cá sắp lượn vòng. Chỉ cần một cú quật đột ngột và cú nẩy mạnh là ông lão biết đối thủ đáng gờm đến mức nào. Và cũng chỉ bằng sự từng trải, điêu luyện của tay nghề mới giúp ông lão chế ngự được nỗi đau của mình, ông biết “nỗi đau của ta thì không thành vấn đề. Nhưng nỗi đau của con cá thì có thể khiến nó cuồng lên” và lật úp thuyền...

Dù con cá đã kéo ông lão ra khơi xa ròng rã trong suốt hai ngày đêm nhưng cuối cùng con cá kiếm khổng lồ cũng bị ông lão khuất phục. Đến khi hấp hối, con cá vẫn “trông điềm tĩnh và tuyệt đẹp, chỉ có cái đuôi đồ sộ cử động”. Con cá kiếm toát lên vẻ đẹp cao ngạo, kiêu hùng của một chiến binh quả cảm “khi ấy con cá, mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vụt lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trong không trung phía trên ông lão và chiếc thuyền. Thoáng chốc nó rơi sầm xuống làm nước bắn tung trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền”.

Và cái chết huy hoàng “con cá nằm ngửa, phơi cái bụng ánh bạc của nó lên trời...con cá trắng bạc, thẳng đơ và bồng bềnh theo sóng”. Cho đến khi cuộc đấu kết thúc, lão vẫn ngỡ rằng hẳn chuyện chinh phục được con cá là trong mơ “khi thấy con cá tung mình khỏi mặt nước, lơ lửng bất động trong không trung trước lúc rơi xuống thì lão đã chắc chắn có điều gì thực sự quái đản và lão không thể tin nổi”...

Miêu tả vẻ đẹp và tầm vóc của con cá kiếm, Hemingway gián tiếp tôn vinh đề cao sức mạnh của ông lão Santiago, bởi chiến thắng một kẻ mạnh ắt phải là kẻ mạnh hơn. Ông lão Santiago đã “dồn hết mọi đớn đau và những gì còn lại của sức lực và lòng kiêu hãnh đã rời bỏ từ rất lâu” để đương đầu với con cá kiếm. Chiến thắng khi sức lực càng cạn kiệt thì ý nghĩa của chiến thắng ấy càng cần được tôn vinh.

Chiến thắng của ông lão Santiago cho thấy trước biển cả đại dương, con người thật nhỏ bé, sức khỏe cơ bắp của con người thật thảm hại nhưng sở dĩ họ là “chúa tể của muôn loài” bởi họ sở hữu một thứ sức mạnh vô song là trí tuệ, ý chí, nghị lực, khả năng chịu đựng nhẫn nại. Bởi bất cứ lúc nào họ cũng “giữ đầu óc cho tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người”.

Bìa tác phẩm của Hemingway được dịch sang tiếng Việt.

Bìa tác phẩm của Hemingway được dịch sang tiếng Việt.

Sự bí ẩn và hiểm nguy đến từ thiên nhiên

Lão không tin mình chinh phục được con cá kiếm là sự thật. Nhưng có một sự thật trước mắt là máu của con cá khổng lồ đã loang nhanh trong lòng đại dương. “Thoạt tiên, làn máu đen sẫm trông như bãi cát ngầm trong làn nước biếc sâu hơn ngàn thước. Rồi nó lan rộng tựa đám mây”. Điều đó chẳng khác nào bữa tiệc khai vị cho lũ cá mập để quyến rũ chúng đến xẻo thịt con cá kiếm.

Ban đầu, là con Ma ko hung tợn “nó ngoi lên từ vùng nước sâu khi đám mây máu được hình thành... nó ngoi lên rất nhanh và hoàn toàn bất cẩn đến mức đã xé tung mặt nước xanh thẵm”. Và ông lão đã trông thấy mồm nó mở rộng “đôi mắt kì lạ và cú răng bổ phập một tiếng khi nó đợp ngập chỗ thịt ngay phía trên đuôi”, lão “nghe được tiếng da thịt rách toác ra trên mình con cá lớn”. Ông lão Santiago đã đâm con cá mập “không bằng hi vọng mà bằng quyết tâm và cả lòng căm hận”, con cá mập “lăn tròn ra và lão thấy mắt nó dại đi”... rồi quái vật của đại dương cũng từ từ chìm xuống.

Nhưng hết Ma ko đến Ga la nô (loài cá mập đốm), lần lượt xâu xé con cá kiếm của lão. Cứ mỗi một “cú giật rung của con cá mập thì một mảng thịt bị rứt đi và bây giờ con cá để lại vệt máu như đường cao tốc trên biển cho họ hàng lũ lũ cá mập”. Ông lão Santiago nghe rõ từng tiếng thịt da rách toác, cảm nhận được bộ hàm của những con cá mập đang ngoằm ngoạm phần thịt con cá kiếm. Santiago đã không thể bảo vệ được chỗ thịt cá còn lại trước sự tấn công của lũ cá mập.

Toàn bộ thân cá đã bị xâu xé nát tươm. Nửa đêm, lũ cá mập kéo đến cả đàn “như kiểu ai đó nhặt từng mẩu bánh vụn trên bàn”. Ông lão vung chày tuyệt vọng... Santiago chỉ có thể ngậm ngùi “Giờ thì chúng đánh bại ta rồi... còn ta thì đã quá già để vung chày đập chết lũ cá mập kia”... Dù đã gắng gượng hết sức bình sinh nhưng ông lão đành bó tay bất lực. Chinh phục được con cá kiếm nhưng Santiago đã bị lũ cá mập đánh bại hoàn toàn.

Những ý nghĩa biểu tượng sâu sắc

Như mọi “nhân vật mã” mà mình xây dựng, ông lão Santiago là một chiến binh đơn độc trên trận chiến cuộc đời. Đến khi giong buồm ra khơi, người chiến binh ấy vẫn độc mã. Hành trình đi câu của ông lão là hành trình con người khám phá và chinh phục tự nhiên. Đó là hành trình mà con người vượt thoát ra khỏi nỗi cô đơn để tìm đến biển cả thiên nhiên và xoa dịu nỗi đau.

Trong cuộc đấu khốc liệt với con cá kiếm, ông lão không xem nó là kẻ thù mà xem nó là bạn, gọi nó là “người anh em”. Lão nhìn nó bằng ánh mắt thán phục thay vì vẻ thù hằn “Ta chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh cao thượng hơn mày, người anh em ạ”. Trên hành trình ấy, ông lão Santiago độc thoại với chính mình, trò chuyện với con cá, hòa đồng, thán phục với vẻ đẹp và sức sống vô tận của thiên nhiên. Ngay cả khi đối đầu với lũ cá mập thối tha và đáng ghét “những kẻ săn tìm thịt chết và cũng là những kẻ giết thịt” lão cũng mang những xúc cảm đó.

Đã có lúc ông lão mang mặc cảm tội lỗi, nuối tiếc vì giết con cá kiếm nhưng ông bắt buộc phải giết nó vì nó là mục tiêu tồn tại của ông lão. Ông lão “không giết chúng duy chỉ để giữ mạng sống và để đổi lương thực”, ông “giết chúng vì lòng kiêu hãnh” và vì ông là người đánh cá. Hành trình khám phá và chinh phục tự nhiên của ông lão cho ta bài học con người cần tôn trọng tự nhiên và hòa hợp với tự nhiên.

Biển cả thật dịu dàng, hiền lành như vẻ đẹp và sức mạnh của con cá kiếm khổng lồ có thể làm bạn với con người. Nhưng bên trong biển cả vốn che đậy bao nhiêu bí mật thậm chí còn chứa đựng bao nhiêu tai họa và nguy hiểm rình rập khôn lường trước được như lũ cá mập cơ hội và khát máu kia. Nhưng hơn lúc nào hết, con người vẫn cần tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên, xem biển cả thiên nhiên là ngôi nhà vĩ đại.

Hành trình ông lão Santiago một mình lênh đênh giữa biển cả bao la là ẩn dụ cho hành trình con người mải miết theo đuổi những khát vọng lớn trong đời. Ông lão khao khát kiếm tìm một con cá lớn nhất đẹp nhất đời, để xứng danh với tài nghệ của lão. Hành trình đó, dù đơn độc, dù mỏi mệt, dù cái giá phải trả là con số không nhưng ông lão vẫn không thôi hi vọng.

Như một nghịch lý, khi người ta theo đuổi được khát vọng thì chính họ lại bị khát vọng đó điều khiển, thậm chí lệ thuộc vào nó. Cứ ngỡ con cá kiếm khổng lồ đã mắc câu nhưng con cá lại kéo ông lão ra khơi xa. Khi con cá chết, nó nằm ườn mình trên biển “không nhúc nhích và ông lão lại phải lôi con thuyền lại chỗ nó”. Khi khát vọng chưa được chinh phục nó thật tuyệt mỹ. Nhưng khi chinh phục được, nó thật thảm hại. Con cá kiếm khổng lồ giờ chỉ còn “đoạn xương sống trụi trần, trắng hếu và khối đen ngòm của cái đầu với lưỡi kiếm nhỏ thẳng mà chẳng còn tí thịt da nào”.

Điều đó cho ta thấy sự chuyển biến lớn lao từ ước mơ sang hiện thực. Khi chưa chinh phục được ước mơ, ước mơ thật đẹp đẽ, phi thường. Khi ta đã chinh phục được nó, ước mơ đã trở nên bình thường. Bình thường để có thể chinh phục những ước mơ mới. Chấp nhận hiện thực và không bao giờ bỏ cuộc là bài học nhân sinh quan rút ra từ cách ông lão Santiago đối đầu với tất cả. Dù thừa nhận lũ cá mập đã đánh bại ông, ông không gặp may mắn nhưng ông lão vẫn trò chuyện vui vẻ với cậu bé Manolin, tự nhủ sẽ mài ngọn lao thật sắc và “Bây giờ hai ông cháu cùng đi câu”.

Ông lão Santiago trở về làng chài bằng một thể xác rã rời và bộ xương cá vô dụng. Với cậu bé Manolin đó lại là một kì tích, một chiến công. Đã có lúc ông lão xem rằng “con cá là vận may của ta” thế nhưng sau khi bị đánh bại bởi lũ cá mập ông lão đã xem con cá kiếm là vận rủi và “giá như đây chỉ là giấc mơ và ta chưa hề câu được nó”. Lúc trên biển, ông lão vật lộn với con cá kiếm khổng lồ xứng ngang hàng kì phùng địch thủ, nhưng khi trở về bộ dạng và chiến lợi phẩm của ông lão thật thảm hại và đáng thương.

Có thể nói, hành trình câu cá của ông lão là ẩn dụ cho hành trình rủi may của kiếp người (Lê Huy Bắc). Trong cuộc đời, con người luôn phải chiến đấu để vượt qua, để thoát khỏi những rủi may ấy. Ngay cả lúc đen tối nhất đời, con người vẫn kiên cường chiến đấu để vượt qua nó dù phía trước mắt đón đợi họ là cái chết, là hư vô. Rủi may tùy vào cách nghĩ của mỗi người. Cũng như cách mà Hemingway chiết xuất một triết lí từ hành trình đánh cá của ông lão. Kết quả không quan trọng, quan trọng là cách anh đã hành động và chiến đấu như thế nào. Kiên trì, chịu đựng, chiến đấu quả cảm để vượt qua những ranh giới của sự rủi may, ranh giới của kẻ chiến thắng và chiến bại là ý nghĩa sống tích cực nhất của mọi lẽ sống trên đời.

Santiago đã tìm đến thiên nhiên như để khẳng định giá trị của tồn tại hơn là ý nghĩa mưu sinh. Đớn đau, tàn lực, nỗi cô độc đã bào mòn thể xác, vắt kiệt sức lực và cả vận rủi đã tước đoạt con cá kiếm khổng lồ mà ông lão đã vật lộn để có được nó... Từ đại dương trở về, ông lão chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, sức tàn lực kiệt và chẳng khác nào là kẻ bại trận. Chinh phục được con cá kiếm, bị đánh bại bởi lũ cá mập nhưng ông lão già nua của làng chài kia đã chiến thắng được chính bản thân mình, vẫn có được một phong độ tuyệt vời trước một áp lực kinh hoàng.

Đó là biểu tượng cho ý chí, bản lĩnh, sự chịu đựng phi thường, sức mạnh trí tuệ vĩ đại của con người. Dẫu trong khổ đau, bất hạnh con người vẫn có niềm tin và khẳng định được sức mạnh “chúa tể của muôn loài”. Gửi thông điệp nhân văn vào nhân vật của mình, Hemingway đem đến một triết lý: “Con người sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”. Bởi vậy, tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của nhà văn Mỹ lừng danh xứng đáng là bản hùng ca, ca ngợi sức mạnh và những ước mơ chính đáng của con người.

Bùi Thị Cẩm Hằng (Trường THPT chuyên Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ong-gia-va-bien-ca-ban-hung-ca-ve-suc-manh-va-y-chi-cua-con-nguoi-post605938.html