Ông giáo làng 40 năm nâng bước học trò
Bước qua tuổi 61, thầy Lê Công Tuệ giáo viên dạy Hóa, Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã có hành trình 40 năm làm người thầy hạnh phúc...
Người thầy của 3 thế hệ
Mùa thu năm 1984, thầy Tuệ về nhận công tác tại Trường THCS Nghĩa Thắng và gắn bó với ngôi trường này cho đến nay. Thầy giáo trẻ khi ấy tràn đầy nhiệt huyết và niềm vinh dự vì được trở về truyền lửa trên chính mảnh đất quê hương.
Thầy Tuệ bảo, thuở ấy nhiều khó khăn nhưng cũng là quãng thời gian đẹp nhất. Bởi, những thử thách đó giúp tôi rèn bản lĩnh và làm dày dặn thêm kinh nghiệm của người giáo viên.
Suốt hành trình 40 năm qua, thầy Tuệ có vô số cơ hội để đến một ngôi trường với điều kiện tốt hơn nhưng ông đều khước từ. Theo thầy vì ở vùng quê này đã cho ông tất cả.
Ngẫm lại, thầy Tuệ nói bản thân luôn truyền thụ kiến thức bằng cả tâm huyết, nhiệt tình chỉ dẫn, sửa sai từng chi tiết nhỏ cho các em để nhận lại tình cảm to lớn của học trò.
"Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ thầy trực tiếp giảng dạy, vui khi những điều tốt, cách dạy vui vẻ, tâm huyết của người thầy được kể lại cho thế hệ con cháu nghe, điều đó tạo nên uy tín của người thầy.
Mỗi người có khái niệm khác nhau về hạnh phúc, có người nghĩ giàu có là đủ, với thầy thì chỉ cần nhiều người yêu quý là hạnh phúc rồi. Càng mãn nguyện hơn nữa khi ngày hôm nay mình tốt hơn ngày hôm qua, trọn vẹn hơn là vui vẻ rồi", thầy Tuệ chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Phúc Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng, để tìm một người như thầy Tuệ rất khó, một thầy giáo cực kỳ có tâm và có tầm.
"Thầy Tuệ là người giàu kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, thầy đã dạy qua không dưới 400 học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều học trò của thầy đang là bác sĩ có tiếng trong nước, ít nhất cũng tầm 40 người", thầy Lộc cho hay.
Không có khái niệm dưỡng già...
Thay lời cảm ơn với những cống hiến, đóng góp của thầy Tuệ, Ban giám hiệu Trường THCS Nghĩa Thắng đã tổ chức tiết dạy trình diễn và tri ân. Tiết dạy do thầy Tuệ đứng lớp cùng sự tham dự của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.
Theo thầy Tuệ, tiết dạy nào cũng đều phải được chuẩn bị kỹ. Thậm chí tiết dạy này thầy còn chỉn chu hơn vì đây là lần cuối cùng với cương vị giáo viên chính thức, thầy được chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp.
Nói về phương pháp dạy của mình, thầy Tuệ cho rằng, từ thực tiễn giảng dạy mỗi ngày mình rút kinh nghiệm dần. Nhìn vào mắt của học sinh để biết các em có hiểu bài hay không, rồi từ đó mình phân tích, mổ xẻ giúp các em tiếp thu tối ưu.
Cũng theo thầy Tuệ, cách thay đổi phương pháp nhanh nhất đó là học hỏi anh em đồng nghiệp, kể cả các em học sinh, càng ngày mình càng hoàn thiện để cống hiến.
"Tôi muốn chia sẻ cho tất cả giáo viên dự giờ mọi thứ tôi tích lũy được, để mọi người có thể tham khảo và rút ra được cái hay, cái dở. Điều quan trọng là người giáo viên phải luôn quán xuyến, theo dõi từng em để có cách điều chỉnh, giúp các em tiến bộ so với chính các em ngày hôm qua", thầy Tuệ bộc bạch.
Với thầy Tuệ thì không có khái niệm nhà giáo già. "Dù nhiều người có xu hướng nghỉ hưu sớm để an dưỡng, nhưng mình thì chỉ cần sức khỏe còn đảm bảo, vẫn còn được mọi người yêu quý, học sinh lắng nghe thì mình vẫn tiếp tục cống hiến hết mình", thầy Tuệ nói.
Không dừng lại với một người thầy giỏi trên bục giảng, một giáo viên kỳ cựu trong mạng lưới chuyên môn của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, thầy Tuệ còn khiến mọi người xung quanh kính nể với nhân cách đầy cao cả. Nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn đã được thầy và vợ (cũng là một giáo viên đã về hưu) giúp đỡ.
Không chỉ là sợi dây kết nối hỗ trợ các em học sinh, thầy Tuệ còn là địa chỉ tìm đến của những mảnh đời bất hạnh. Rất nhiều hoàn cảnh đã được vợ chồng thầy hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Còn nhớ, năm 2020, cơn bão số 9 gây nhiều thiệt hại cho mảnh đất Quảng Ngãi. Thấu cảm với người dân quê nhà, vợ chồng thầy Tuệ làm cầu nối để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng sau bão. Hàng trăm bộ quần áo, thiết bị máy móc cùng nhiều phần quà đã được thầy Tuệ gửi tận tay các hoàn cảnh.
Thầy Tuệ cho rằng, khoan nghĩ đến những điều to lớn. Hãy làm những việc nhỏ có ý nghĩa. Những việc làm mang tính nhân văn ắt sẽ được lan tỏa và truyền cảm hứng cho những người khác.
"Qua bao nhiêu năm học sinh đều rất quý mến mình, nhiều em đã thành đạt ở trong nước lẫn nước ngoài. Các em thường ghé thăm và ngỏ ý nhờ thầy kết nối để hỗ trợ các mảnh đời bất hạnh làm cho mình ngày càng có động lực với việc làm thiện nguyện", thầy Tuệ tự hào nói.
Mong được tiếp tục dạy tại trường
"Năng lượng và nhiệt huyết nghề của thầy Tuệ là điều rất đáng để mọi người học hỏi. Ban giám hiệu rất vui và hoan nghênh tinh thần cống hiến của thầy Tuệ khi nhận được lời ngỏ ý được tiếp tục giảng dạy hợp đồng thêm một thời gian", thầy Nguyễn Phúc Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng cho hay.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ong-giao-lang-40-nam-nang-buoc-hoc-tro-post675432.html