Ðồng hành cùng người dân phòng, chống dịch Covid-19
Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với vi-rút SARS-Cov-2. Ðồng thời, nếu người bệnh có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng sẽ được ngân sách nhà nước chi trả.
Chi trả toàn bộ cho người tham gia BHYT
Quyết định 219/QÐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 29-1-2020 đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, và theo Ðiều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Thực hiện quyết định này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan việc KCB, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Ðối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu KCB, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT sẽ được BHXH chi trả toàn bộ.
Ðồng thời, theo Công văn số 505/BYT-BH của Bộ Y tế ban hành ngày 6-2-2020, hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB liên quan đến dịch bệnh do nCoV gây ra, trường hợp được miễn chi phí KCB theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29-12-2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, bao gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm; ca bệnh có thể nhiễm; ca bệnh xác định nhiễm nCoV.
Ðối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, trường hợp người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn. Nếu điều trị tại nơi không có hợp đồng KCB BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí KCB đã được miễn. Người không có thẻ BHYT thì phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB.
Ðối với trường hợp người bệnh tự đi KCB được kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế, người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT. Người không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ KCB.
Quyết tâm thực hiện khai báo y tế toàn dân
Từ ngày 10-3, hai ứng dụng (app) gồm: Ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam đã chính thức được Chính phủ triển khai, bắt đầu hoạt động để khuyến khích người dân khai báo y tế nhằm chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.
Trong đó ứng dụng NCOVI khuyến khích người dân sử dụng để thực hiện khai báo thông tin về sức khỏe bản thân và cập nhật thông tin về dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đây không chỉ là trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh theo quy định, mà còn là hành động cụ thể của mỗi người dân, qua đó mọi người Việt Nam sẽ cùng chung sức, đồng lòng trong việc chống dịch. Các thông tin khai báo của người dân được quản lý chặt chẽ và chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác... Hiện, Bộ Y tế đã thống nhất một phiên bản chính thức áp dụng cho các hệ điều hành Android và iOs để các cá nhân tải ứng dụng thực hiện khai báo y tế tự nguyện. Hiện tại, ứng dụng NCOVI tiếp tục được hoàn thiện để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân. Sau khi tải ứng dụng NCOVI về, người dùng cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính. Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật tình hình dữ liệu ở màn hình “Theo dõi sức khỏe”.
Ðồng hành cùng Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức thực hiện tốt các công việc chuyên môn, bảo đảm hiệu quả, chất lượng hoạt động khai báo y tế toàn dân, tạo tiền đề cho việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo đó, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn người dân ba cách tra cứu mã số BHXH phục vụ khai báo y tế điện tử. Ðể trợ giúp người dân trong việc khai báo mã số BHXH phục vụ cho việc khai báo y tế, BHXH Việt Nam triển khai nhắn tin qua điện thoại (SMS) với nội dung mã số BHXH của mỗi cá nhân tới từng người dân, hoặc người dân có thể nhập 10 chữ số cuối trên mã thẻ BHYT; đồng thời tra cứu mã số BHXH trên trang web của BHXH Việt Nam theo địa chỉ: baohiemxahoi.gov.vn, hoặc liên hệ tổng đài Chăm sóc khách hàng: 19009068. Thông qua đó, người dân có thể cung cấp thêm mã số BHXH của mình để ngành y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình KCB được lưu trữ trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ đó góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh.