Ðồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển
ĐBP - Những năm trở lại đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều giải pháp, hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng chuyển đổi hành vi về dân số đã được triển khai, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhân viên y tế bản Hua Nạ, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền công tác dân số - KHHGÐ tới người dân. Ảnh: Mai Giáp
Bác sĩ Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ tỉnh cho biết: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ dân số có sự phát triển vượt bậc, trải khắp các tuyến từ tỉnh tới tận các thôn bản. Với đội ngũ này, Chi cục chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành triển khai các hoạt động chuyên môn về dân số trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Chi cục thực hiện 37 lượt giám sát, hỗ trợ chuyên môn tại 10 huyện, thị, thành phố và 176 lượt tại 130 xã, phường, thị trấn; trung tâm dân số - KHHGÐ cấp huyện thực hiện 295 lượt/130 xã, phường, thị trấn. Qua đó đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác dân số tại cơ sở.
Bên cạnh việc giám sát, hỗ trợ chuyên môn, công tác tuyên truyền về DS - KHHGÐ được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông nhóm, tư vấn trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội... Ðồng thời, dịch vụ KHHGÐ và sàng lọc trước sinh, sơ sinh được duy trì và ngày càng nâng cao về chất lượng, thực hiện theo kế hoạch và cơ bản đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Trong năm, Chi cục cung cấp biện pháp tránh thai an toàn, phù hợp cho 25.195 đối tượng; sàng lọc trước sinh cho 32,66% tổng số phụ nữ mang thai (4.406 ca) phát hiện 9 trường hợp dị tật bẩm sinh; sàng lọc sơ sinh cho 17,2% tổng số trẻ sơ sinh (2.325 trẻ) phát hiện 92 trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD... Tổ chức triển khai Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao chất lượng dân số lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGÐ đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn” tại 9 huyện, thị và 56 xã với khoảng 25.000 lượt người tham gia và được tuyên truyền, vận động, tư vấn. Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt 111% so với kế hoạch đề ra; trong đó, triệt sản 9 ca; dụng cụ tử cung 1.646 ca; thuốc tiêm tránh thai 553 ca, viên uống tránh thai 2.119 người, bao cao su 918 người... Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản: Khám thai 1.212 lượt; khám phụ khoa 4.540 lượt, điều trị phụ khoa 1.175 lượt...
Những kết quả đó góp phần đưa tỷ suất sinh của tỉnh giảm từ 31,44%o (năm 2001) xuống còn 22,41%o (năm 2019), tỷ suất tăng dân số tự nhiên còn 17,35%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 18,7%… Cùng với đó, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 56,64% năm 2016 có thể tăng lên 63% vào năm 2020; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh nâng từ 3,5% (năm 2016) lên 35% (năm 2020), tỷ lệ được sàng lọc sơ sinh từ 4,2% (năm 2016) lên 35,7% (năm 2020). Chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Ðiện Biên đang tiến dần tới mốc đạt mức sinh thay thế và bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Tuy nhiên, Ðiện Biên vẫn đang đứng thứ 5 trong 33 tỉnh có mức sinh cao, chất lượng dân số chậm được cải thiện, tốc độ giảm sinh chưa vững chắc. Cùng với nhiều khó khăn, như: Bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa được kiểm soát, tình trạng phá thai còn nhiều; tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục sức khỏe tình dục toàn diện cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên còn hạn chế… Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại (cấy tránh thai, triệt sản) thấp cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.
Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã coi dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Bác sĩ Vũ Thị Thùy cho biết: Ðể chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, hệ thống cán bộ làm công tác dân số - KHHGÐ các cấp đã và đang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với các hình thức tổ chức đa dạng. Trong đó có nhiều buổi truyền thông trực tiếp, tuyên truyền các nội dung về dân số và phát triển, như: Các chủ trương của Ðảng và Nhà nước về công tác dân số; hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; lợi ích của việc sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và tác hại của phá thai không an toàn; tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh... Truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được chú trọng quan tâm bằng các bài viết tuyên truyền, thông tin về công tác dân số - KHHGÐ. Cùng với đó, nâng cao chất lượng dịch vụ dân số - KHHGÐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng sử dụng. Quan trọng hơn cả là phải huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước. Nhất là trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách dân số phù hợp với tình hình mới hiện nay. Có như vậy, công tác dân số - KHHGÐ mới đạt được hiệu quả và có những bước tiến vững chắc trong thời gian tới, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.