Ông Hoàng Quốc Vượng 2 lần ngồi ghế thứ trưởng trước khi bị bắt
Trước khi bị khởi tố, ông Hoàng Quốc Vượng có 2 lần ngồi ghế Thứ trưởng Bộ Công thương và từng làm chủ tịch tập đoàn EVN.
Ngày 4/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Vượng sinh năm 1963, tốt nghiệp Trường mỏ MGRI tại Moscow, Nga. Năm 2008, ônh là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
Tháng 8/2010, ông Vượng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương, thay cho ông Bùi Xuân Khu nghỉ hưu theo chế độ.
Đến tháng 9/2012 ông Hoàng Quốc Vượng được điều động giữ chức Chủ tịch HĐTV, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đến tháng 1/2015, ông Hoàng Quốc Vượng thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV EVN, quay trở lại Bộ Công thương ở vị trí thứ trưởng và phụ trách một số lĩnh vực như điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường và phát triển bền vững.
Tháng 7/2020, tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Đảng bộ Công thương nhiệm kỳ 2020-2025, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Bộ Công thương.
Trong giai đoạn này, các cơ chế chính sách khuyến khích liên quan đến điện mặt trời, điện gió cũng được ban hành. Đó là Quyết định 11 năm 2017 (9,35 cent/kWh) và Quyết định 13 năm 2020 với cơ chế khuyến giá FIT cho điện mặt trời; Quyết định 39 năm 2018 với cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió.
Tháng 11/2020, ông Hoàng Quốc Vượng được điều chuyển, thôi giữ chức thứ trưởng Bộ Công thương và nghỉ hưu từ 1/1/2024. Trong những ngày cuối cùng công tác, ông Vượng liên tục nhận tin không vui khi ngành năng lượng nhất là điện lực thuộc lĩnh vực ông quản lý khi làm thứ trưởng lộ ra nhiều sai phạm. Bản thân ông cũng có trách nhiệm liên quan và được xác định vi phạm đến mức phải kỷ luật.
Theo thông báo phiên họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuối tháng 12/2023, ông Hoàng Quốc Vượng cùng một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 được xác định có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió, thực hiện Quy hoạch VII và VII điều chỉnh.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Bộ Công thương tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận (quy định tại khoản 3 Điều 5) tại Quyết định 13 năm 2020, trái với nội dung Nghị quyết 115 năm 2018 của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 115 năm 2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đồng ý tỉnh này được hưởng chính sách giá điện ngưỡng 9,35 UScent/kWh theo Quyết định 11 năm 2017 đến hết năm 2020 với tổng công suất điện mặt trời là 2.000 MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu mở rộng đối tượng là các dự án dẫn đến 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.
Sau khi giá FIT theo Quyết định 11 hết hiệu lực, Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 13 năm 2020. Tuy nhiên, điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá ưu đãi (FIT) ngưỡng 7,09 UScent/kWh (khoản 1 Điều 5) theo Quyết định 13 được Bộ Công thương tham mưu không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ. Vi phạm này của Bộ Công thương cũng dẫn đến việc 14 dự án được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng...
Kết luận thanh tra cũng nêu trong giai đoạn đến năm 2020, có 168 dự án điện mặt trời tổng công suất 14.707 MW/850 MW được phê duyệt (cao gấp 17,3 mục tiêu) không có căn cứ pháp lý. Đáng chú ý, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.642 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt, thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).
Ngoài ra, Bộ Công thương còn vi phạm về việc phê duyệt và tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt ồ ạt dự án nguồn điện gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành; Tham mưu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà; Việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió…