Ông Huỳnh Văn Bé sáng chế thành công máy sấy muối ớt ướt
Xuất thân là nông dân, chưa qua một trường lớp nào về cơ khí, nhưng vì tình yêu với nghề, mong muốn có một thiết bị thay thế khâu phơi sấy không phụ thuộc vào thời tiết, ông Huỳnh Văn Bé - chủ Cơ sở muối sấy Ngọc Yến (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) đã nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy sấy muối ớt ướt. Sáng chế của ông đã được ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019.
Miệt mài tìm tòi
Đi lên từ những khó khăn và từng trải qua các công việc của người công nhân làm muối nên ông Huỳnh Văn Bé thấu hiểu hết những vất vả của nghề. Công việc làm muối cực nhọc, nhất là khâu phơi sấy khiến ông nhiều đêm trằn trọc, suy tư để cải thiện được công đoạn phơi muối, giảm bớt sức người.
Vậy là từ ý tưởng và trăn trở của mình, đầu năm 2016, ông đặt hàng một doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh lắp đặt máy sấy muối ướt sử dụng công nghệ sấy điện hút chân không (giá trị gần 1 tỷ đồng) với hy vọng chiếc máy này có thể thay thế được khâu phơi muối truyền thống, không phụ thuộc vào thời tiết. Thế nhưng, mọi hy vọng gần như vụt tắt khi đưa thiết bị đưa vào sử dụng đã không đáp ứng nhu cầu của cơ sở. “Máy có giá trị gần 1 tỷ đồng, nhưng khi đưa vào hoạt động, máy không hút chân không trong muối ra được mà ngược lại càng làm cho muối càng ướt, không kết dính, buộc tôi phải bỏ luôn mẻ muối sấy hàng tấn” - ông Bé kể.
Trước tình thế chiếc máy công nghệ cao không sử dụng được, cộng với việc không thể quay về cách phơi truyền thống vì không đảm bảo sản lượng giao cho đối tác, buộc ông Bé phải suy nghĩ, sáng chế để cho ra một thiết bị sấy phù hợp với đặc điểm sản phẩm của cơ sở. Vậy là trên nền tảng chiếc máy công nghệ cao không sử dụng được, cộng với việc dựa vào đặc tính của sản phẩm (muối có trộn tỏi, đường và các nguyên liệu khác), ông Bé cùng những thành viên trong gia đình đã miệt mài nghiên cứu, chọn những thiết bị phù hợp để sản xuất máy.
Ròng rã hơn 2 tháng, hư rồi lại tháo, sửa nhiều lần, cuối cùng ông Bé đã mày mò thiết kế ra chiếc máy sấy muối ớt ướt có hiệu quả cao gấp nhiều lần việc phơi sấy truyền thống, hoạt động tốt, trở thành niềm vui chung của ông và công nhân cơ sở.
Theo ông Huỳnh Văn Bé, chiếc máy sấy muối ớt ướt này có công nghệ sản xuất không quá phức tạp. Máy hoạt động theo cơ chế gia nhiệt từ khay đốt than đá từ bên dưới, sức nóng của than đá làm nóng trực tiếp dạ dưới của mâm muối ở bên trên, thông qua việc sử dụng môtơ giúp mâm muối di chuyển vòng tròn làm cho nhiệt lượng cung cấp một cách đều đặn, chất lượng của hạt muối được đồng đều hơn. Ngoài việc gia nhiệt từ bên dưới, ông còn bố trí than dẫn khí nóng lên phía trên giúp muối nhanh khô hơn. Cứ định kỳ vài phút, các công nhân sẽ dùng dụng cụ chuyên dùng đảo chiều và trộn đều muối, không để muối bám chặt vào mặt mâm, nhờ đó muối vẫn được sấy đều và không bị cháy khét vì dư lửa.
Đặc biệt, máy sấy của cơ sở sản xuất có chi phí thấp hơn gần 20 lần so với thiết bị đặt hàng (khoảng 50 triệu đồng), không cần phải đầu tư thêm nguồn điện để sử dụng riêng biệt, thời gian sấy được rút ngắn xuống còn khoảng 45 phút/mẻ 50kg) và nhiên liệu sử dụng là than đá với khoảng 2kg/lần sấy (khoảng 1.200 đồng). Sau khi sấy muối không bị dính thành máy sấy, công nhân có thể lấy ra dễ dàng. Thiết bị nhẹ, dễ di chuyển (khoảng 300kg), máy sử dụng vật liệu inox nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sử dụng thiết bị này hoàn toàn bỏ qua khâu phơi muối truyền thống, nên dù thời tiết như thế nào máy vẫn cho năng suất ổn định.
Từ thành công của chiếc máy sấy muối ớt ướt này, ông Bé đã nhân rộng ra hàng chục chiếc máy sấy đặt tại cơ sở. Hiện nay, với 12 chiếc máy sấy, mỗi ngày cơ sở có thể cho ra hơn 5 tấn muối sấy (có thể tăng sản lượng nếu tăng lên ca 2, ca 3 trong ngày. Điều này, giải quyết được bài toán sản lượng của cơ sở. Theo ông Bé, ngoài chiếc máy sấy này, các công đoạn khác trong sản xuất muối của cơ sở cũng đã được thay đổi bằng máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm bớt công lao động. “Tôi đang ấp ủ ý định từ đây đến cuối năm sẽ đầu tư thêm khâu đóng gói bao bì hiện đại. Nếu làm được, công đoạn này sẽ tiết kiệm công lao động và đạt hiệu quả cao hơn” - ông Bé nói.
Sống trọn với đam mê
Trên vách căn phòng nhỏ của ông Bé, Bằng khen, Giấy chứng nhận cho công trình sáng chế và các danh hiệu khác được treo gần kín. Trong số đó, tôi ấn tượng với thành tích sáng chế của ông được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019. Hỏi về thành tích này, ông Bé cười hiền: “Thời thế buộc tôi phải sáng chế để tìm ra con đường mới cho cơ sở, chứ không nghĩ mình sẽ được ghi danh gì đâu. Thế nhưng, khi đã “bước chân” vào cải tiến công nghệ thì mình càng mê công nghệ hơn. Mê nhất là lúc đưa thiết bị vào sử dụng có hiệu quả, mọi người ủng hộ càng giúp tôi hăng say với niềm đam mê sáng tạo. Tôi nghĩ sau máy sấy muối này, tôi sẽ nghiên cứu và đưa vào công nghệ cao hơn nữa tại cơ sở để đảm bảo mang lại hiệu quả và tính an toàn hơn”.
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp cho rằng: “Thiết bị máy sấy muối ớt ướt do anh Huỳnh Văn Bé sáng tạo đã có hiệu quả thiết thực trong thời gian qua tại Cơ sở muối sấy Ngọc Yến. Thiết bị này không chỉ giải quyết được bài toán phơi muối phụ thuộc vào thời tiết mà còn giúp tăng sản lượng, năng suất tại cơ sở. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, thì tinh thần sáng tạo trong sản xuất của nông dân Huỳnh Văn Bé cũng đã khơi dậy phong trào nông dân sáng tạo trong sản xuất của các cơ sở cùng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và phong trào nông dân sáng tạo ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn”.
Không chỉ là “nhà sáng tạo chân đất”, hơn chục năm qua, ông Ba Bé còn được biết đến là “ông bụt của người nghèo” khi hàng năm đóng góp trên 1 tỷ đồng cho công tác từ thiện tại địa phương. Theo đó, thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện, ông thường xuyên hỗ trợ khoảng 523 hộ nghèo ở 12 xã của huyện Thanh Bình; tài trợ kinh phí cho Hội Đông y huyện tổ chức khám chữa bệnh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp kinh phí xây dựng cầu, đường. Ông cũng thường xuyên sát cánh với các trường học để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn.
Ông Bé tâm sự: “Sống phải có đạo đức và sản phẩm mình làm ra cũng phải tử tế. Tôi quan niệm rằng hạnh phúc là cho những gì ta có, lỡ mai này không có những gì ta cho”.
Với những sáng tạo trong sản xuất và tấm lòng với người nghèo, ông Bé đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị của tỉnh và Trung ương. Trong đó, đáng kể là ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; giải thưởng “Doanh nghiệp mạnh tiêu biểu năm 2017”, danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu APEC”; được tôn vinh “Top 12 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu năm 2016”, “Gương mặt doanh nhân xuất sắc đất Việt năm 2017”... Sáng chế “máy sấy muối ớt ướt” của ông còn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Liên hiệp Hội và Mặt trận Tổ quốc tỉnh chọn là công trình nghiên cứu có hiệu quả thiết thực đề nghị ghi danh và đã được ghi vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019.