Bà McCarthy không nêu rõ những chính sách nào sắp được ban hành, tuy nhiên, một bản ghi nhớ được tiết lộ vào hôm 21-1 cho thấy, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố một loạt sắc lệnh hành pháp mới vào ngày 27-1 nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và coi đây là ưu tiên an ninh quốc gia.
Trước đó, đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Tổng thống Joe Biden, ông John Kerry đã lên tiếng bình luận rằng, cam kết gần đây của Trung Quốc là chưa đủ, trong khi nước này đang thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới.
Vào tháng 9-2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu đưa quốc gia này đạt mức trung bình về lượng khí thải carbon vào năm 2060, 10 năm sau khung thời gian 2050 được hầu hết quốc gia khác đặt ra. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết một mục tiêu ngắn hạn tham vọng hơn về kiểm soát khí thải.
Theo ông Kerry, chính quyền Washington, các thị trưởng và những lãnh đạo địa phương sẽ phải thuyết phục người dân Mỹ rằng, kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu "sẽ là bước chuyển mình về kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử toàn cầu".
Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trước đó, ông Joe Biden đã nhanh chóng ban hành sắc lệnh hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL và đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay ngày đầu nhậm chức. Cả hai động thái trên đều sự đảo ngược chính sách với cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong 4 năm cầm quyền, ông Donald Trump đã rút lại khoảng 100 quy định về khí hậu và môi trường khi theo đuổi chính sách "thống trị năng lượng", qua đó tối đa hóa sản lượng sản xuất dầu, khí đốt và than đá.
Theo Reuters
Đặng Vũ