Ông Joe Biden ưu tiên chính sách nào?

Nếu chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden sẽ bắt tay ngay vào việc thực hiện các chính sách đã cam kết và đối diện những thách thức không nhỏ trên hành trình đó.

 Ông Biden và bà Harris cùng các thành viên trong gia đình trên khấu tại TP. Wilmington - Ảnh: AP

Ông Biden và bà Harris cùng các thành viên trong gia đình trên khấu tại TP. Wilmington - Ảnh: AP

Hôm qua 8/11, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có bài phát biểu tại TP. Wilmington, bang Delaware để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong bài phát biểu, ông Biden đề cập khó khăn trước mắt cần ưu tiên giải quyết: Đại dịch COVID-19.

Tính đến hôm qua, hơn 9,8 triệu người Mỹ đã bị nhiễm COVID-19, trong đó hơn 237.000 người tử vong. Đại dịch khiến hàng triệu người mất việc làm, tác động sâu rộng đến mọi ngóc ngách xã hội Mỹ. Theo AP, đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà một tân tổng thống phải đối diện kể từ khi ông Franklin D.Roosevelt nhậm chức hồi năm 1933 trong thời kỳ Đại suy thoái.

Trước mắt, ông Biden nói sẽ thành lập tổ chuyên trách với thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia để giúp thực thi kế hoạch đối phó với COVID-19. Tổ chuyên trách sẽ do cựu quan chức y tế cấp cao Vivek H.Murthy và cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm David Kessler làm chủ nhiệm.

Theo báo The Washington Post, ông Biden đã hứa sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, bổ nhiệm quan chức phụ trách giám sát việc phân phối khẩu trang, bộ xét nghiệm, vaccine và thành lập lực lượng 100.000 nhân viên phụ trách truy vết người nghi nhiễm. Ngoài ra, chính quyền sắp tới sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua gói hỗ trợ lớn cho chương trình y tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trụ vững trong thời gian đại dịch.

Mặt khác, ông Biden cũng tuyên bố sẽ đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do Tổng thống Donald Trump thực hiện. “Người dân Mỹ an toàn hơn khi nước Mỹ tham gia vào việc tăng cường hệ thống y tế toàn cầu. Ngay trong ngày đầu tiên làm tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới”, ông Biden tuyên bố hồi tháng 7.

Về chính sách kinh tế, ông Biden sẽ nâng thuế đối với doanh nghiệp lớn, những người có thu nhập cao; song lại hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ những người lao động có thu nhập thấp. Ông Joe Biden cam kết sẽ xây dựng lại hoạt động sản xuất bằng cách thực thi kế hoạch “Mua hàng Mỹ thực sự”. Ông Joe Biden nói sẽ yêu cầu sử dụng 600 tỷ USD sức mua hằng năm của chính phủ liên bang cho các công ty Mỹ có công nhân Mỹ, với chuỗi cung ứng ở khắp các thành phố của Mỹ. Theo ông, kế hoạch này sẽ tạo ra thêm 7 triệu việc làm và tăng trưởng kinh tế hơn 1.000 tỷ USD.

Về chính sách y tế, Biden đã bác bỏ ý tưởng “bảo hiểm cho tất cả” trong vòng bầu cử sơ bộ. Thay vào đó, ông cam kết củng cố và mở rộng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá phải chăng, hay còn gọi là Obamacare, chính sách hiện được 62% người Mỹ ủng hộ. Những đề xuất của ông Biden được dự đoán giúp cung cấp thêm bảo hiểm cho hàng triệu người thu nhập thấp tại hàng chục bang từ chối mở rộng chương trình Medicare.

Về môi trường, vấn đề biến đổi khí hậu, ông Biden đề xuất đầu tư 2.000 tỷ USD vào năng lượng sạch. Ông muốn nâng cấp 4 triệu tòa nhà để đáp ứng những tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính với tất cả tòa nhà mới vào năm 2030, lắp đặt 500 triệu tấm pin mặt trời và 60.000 turbine gió do Mỹ sản xuất nhằm loại bỏ phát thải khí carbon từ ngành năng lượng vào năm 2035. Mục tiêu tham vọng nhất là góp phần giúp Mỹ đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. Ông Biden cũng sẽ sớm đưa Mỹ gia nhập trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris mà Mỹ mới rời khỏi.

Về tư pháp, ông Biden muốn tạo ra một chương trình trợ cấp liên bang trị giá 20 tỷ USD nhằm khuyến khích các bang hạn chế quyết định bỏ tù. Nhiều đề xuất của ông Biden còn hướng tới giải quyết vấn đề bất bình đẳng chủng tộc, như kế hoạch miễn học phí trường đại học công lập cho các gia đình trung lưu.

Ông Biden viết rằng với tư cách là tổng thống, ông sẽ tập trung vào các vấn đề quốc gia trước. Ông Biden cũng hứa hẹn sẽ xây dựng lại các mối quan hệ với đồng minh của Mỹ, nhất là với khối NATO, tổ chức mà ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ giảm tiền đóng góp.

Khó khăn của ông Biden là chưa thể bắt đầu kế hoạch ngay vì Tổng thống Trump sẽ còn tại vị ít nhất là đến ngày 20/1/2021. Bên cạnh đó, kế hoạch của ông có thể sẽ bị phản đối mạnh mẽ trong bối cảnh xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc. Ngoài ra, khả năng đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện có thể cản trở việc đề cử bộ trưởng và việc thúc đẩy các chính sách cải cách quan trọng. The Washington Post dẫn lời một đồng minh thân cận của ông Biden cho biết có thể ông sẽ sử dụng các lệnh hành pháp để ban hành quy định.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/ong-joe-biden-uu-tien-chinh-sach-nao/413404.vgp