Ông John Kirby: Phân tích các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc sẽ mang lại thông tin 'có giá trị'
Các quan chức Mỹ cho biết nước này đang thu thập các mảnh vỡ từ khinh khí cầu do thám để phân tích và điều này sẽ mang lại thông tin 'có giá trị'.
Ngày 6-2, các quan chức Mỹ cho biết nước này đang thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc (TQ) bị bắn rơi ở Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích và không có kế hoạch trả lại các mảnh vỡ này cho Bắc Kinh, theo hãng tin AFP.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: "Họ (các nhân viên tìm kiếm) đã thu hồi được một số mảnh vỡ trên mặt biển. Điều kiện thời tiết không cho phép họ tập trung tìm kiếm các mảnh vỡ dưới mặt biển”.
Ông Kirby cho biết trong những ngày tới, nhân viên Mỹ sẽ "có thể xuống dưới mặt biển và quan sát kỹ hơn những gì đang nằm ở dưới đáy đại dương, nhưng công việc này chỉ mới bắt đầu".
Ông Kirby cũng nhấn mạnh việc phân tích các mảnh vỡ từ khinh khí cầu sẽ mang lại thông tin “có giá trị”. Ông cũng xác nhận Mỹ đã điều tra các vụ xâm nhập trước đó của máy bay TQ vào không phận Mỹ.
“Chúng tôi biết rằng TQ đang tiếp tục chương trình khinh khí cầu do thám và họ đang tiếp tục cố gắng cải thiện năng lực quân sự này. Có ít nhất ba lần khí cầu do thám của TQ đã đi qua không phận Mỹ” - phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định.
Tướng Glen VanHerck - chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ - cho biết Hải quân Mỹ đã lập bản đồ để tìm kiếm các mảnh vỡ của khinh khí cầu. Lực lượng này cũng phong tỏa một khu vực rộng 26 km vuông với giả định rằng các mảnh vỡ có thể chứa chất nổ, theo tờ South China Morning Post.
Ông VanHerck cũng thừa nhận quân đội Mỹ đã không phát hiện ra các khinh khí cầu do thám trước khi nó xuất hiện trên bầu trời Mỹ vào ngày 28-1. Ông gọi đây là “lỗ hổng về nhận thức”.
“Chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa này và đó là lỗ hổng trong nhận thức” - ông nói.
Trước đó, hôm 4-2, máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển bang South Carolina, một tuần sau khi khinh khí cầu di chuyển vào không phận Mỹ gần bang Alaska.