Ông Kishida sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 29/9. Giới quan sát cho rằng chiến thắng này cho thấy đảng cầm quyền mong muốn duy trì sự ổn định.
Ông Fumio Kishida gần như chắc chắn trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật. Ảnh: Kyodo
Khi không có ứng viên nào giành đa số trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, vòng bỏ phiếu thứ hai trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa ông Kishida và ông Taro Kono, người đang phụ trách chương trình tiêm vắc-xin. Kết quả là ông Kishida được 257 phiếu, đánh bại ông Kono với 170 phiếu, Japan Times đưa tin.
Ông Kishida cũng đánh bại nữ ứng viên Sanae Takaichi, một người có tư tưởng bảo thủ cứng rắn và được cựu Thủ tướng Abe Shinzo ủng hộ; và bà Seiko Noda, một nghị sĩ trung tả mang tư tưởng tiến bộ trong các chính sách xã hội.
Sinh ra trong gia đình chính trị ở Hiroshima, ông Kishida (64 tuổi) từng giữ vị trí ngoại trưởng và phụ trách chính sách của đảng dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Cha và ông nội của ông trước đây là nghị sĩ. Ông có quan hệ gia đình với cựu Thủ tướng Kiichi Miyazawa, cũng như với Kochikai, một trong những nhóm lâu đời nhất của LDP. Ông Kishida sẽ chính thức được đề cử làm thủ tướng vào tuần tới.
Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Kono luôn dẫn trước ông Kishida. Với kết quả bỏ phiếu hôm qua, ông Koichi Nakano, một giáo sư về chính trị tại ĐH Sophia ở Tokyo, cho rằng những thành viên chủ chốt của LDP vẫn “nghiêng mạnh về người bảo vệ cũ”. GS Nakano cho rằng cựu Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso là những người có ảnh hưởng lớn nhất ở hậu trường. “Họ muốn đảng và chính phủ duy trì như hiện nay. Họ không muốn thay đổi những cấu trúc hiện tại trong quốc hội và họ biết có thể ông Kono sẽ làm điều đó”, GS Nakano nói. “Ông Kishida đại diện cho sự ổn định, sẽ không làm rung chuyển con tàu, và quan trọng hơn là sẽ làm theo những gì các nhà kỹ trị mong muốn”, Jesper Koll, một chuyên gia tại hãng dịch vụ tài chính Monex Group, nhận định.
“Việc lựa chọn một nhà lãnh đạo “nguyên trạng” cho thấy LDP chưa thấy phải thay đổi ngay. Trọng tâm thực sự ở đây là cách ông ấy sẽ thành lập nội các và lựa chọn người vào các vị trí. Xây dựng một nội các đa dạng sẽ là chìa khóa để giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới” - GS Kamikubo.
Ông Masato Kamikubo, một giáo sư về khoa học chính trị tại ĐH Ritsumeikan ở Kyoto, cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian tới. “Ông ấy là một chính trị gia ôn hòa, giàu kinh nghiệm và không có vấp ngã lớn nào trong hồ sơ. Nhưng ông ấy cũng không được nhớ đến với thành công lớn nào trong hoạch định chính sách”, ông Kamikubo nói.
Vấn đề quan trọng nhất đối với thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản sẽ là nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Ông Kishida nói rằng ông đặt mục tiêu đến cuối tháng 11 sẽ tiêm đầy đủ cho tất cả những người muốn tiêm, đồng thời thúc đẩy hoàn thành các loại thuốc chống virus corona qua đường uống vào cuối năm nay. Ông đề xuất thành lập một cơ quan quản lý khủng hoảng y tế trong chính phủ để ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế và nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
Về chính sách kinh tế, ông Kishida từng nói đến ý tưởng từ bỏ chủ nghĩa tự do kiểu mới, dù đây là tư tưởng cốt lõi mà LDP theo đuổi từ những năm 2000. Ông muốn tập trung hơn vào việc giảm bất bình đẳng thu nhập. Ông Kishida từng cho biết ông sẽ mở rộng hỗ trợ chi tiêu gia đình cho giáo dục và nhà ở. Ông đề xuất gói kích kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yen”. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Masamichi Adachi, làm việc tại hãng chứng khoán UBS Securities ở Tokyo, cho rằng các chính sách kinh tế của ông Kishida nhìn chung sẽ duy trì “nguyên trạng”.
Cứng rắn với Trung Quốc
Jeffrey Hornung, nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị tại hãng tư vấn RAND Corp. cho rằng, ông Kishida sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ.“Ông Kishida sẽ tiếp tục ưu tiên liên minh và tìm cách đẩy mạnh nó. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do sẽ tiếp tục là trọng tâm đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực, và ông ấy sẽ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc”, ông Hornung nói.
Ông Kishida từng nói muốn tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, ủng hộ thông qua nghị quyết lên án cách đối xử của Trung Quốc với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Ông muốn bổ nhiệm một trợ lý thủ tướng để theo dõi tình hình nhân quyền ở Tân Cương. “Đài Loan (Trung Quốc) đang ở tiền tuyến của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhìn vào tình hình Hong Kong và Duy Ngô Nhĩ, tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng eo biển Đài Loan sẽ là vấn đề lớn tiếp theo”, ông Kishida nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg đầu tháng này.
GS Lee Young-chae, công tác tại ĐH Keisen ở Tokyo, nói với Reuters rằng ông Kishida sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. “Ông ấy sẽ không khiến tình hình xấu hơn. Ông ấy sẽ nghĩ rằng việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc có liên quan đến các lợi ích quốc gia của Nhật Bản khi xử lý quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên”, GS Lee nhận định.