Ông Kơ Đưng Ha Se nuôi bò dưới tán điều

Nuôi bò là hoạt động chăn nuôi của nhiều nông hộ, tận dụng được nguồn cỏ, lá địa phương cho bò ăn. Và, một nông hộ ở vùng sâu Đạ Tông, Đam Rông đã tận dụng thêm tán điều để phát triển đàn bò thịt.

Ông Kơ Đưng Ha Se nuôi bò dưới tán điều.

Ông Kơ Đưng Ha Se nuôi bò dưới tán điều.

Gia đình ông Kơ Đưng Ha Se, thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông vốn có vườn điều được trồng từ năm 1995. Vườn điều hơn 1 ha đã gần 30 tuổi, tán lớn, trái không còn nhiều nhưng tỏa bóng rất mát. Và dưới tán điều, ông Ha Se đang thả bầy bò gần 20 chục con cả lớn, cả nhỏ thong dong kiếm ăn. Ông Kơ Đưng Ha Se là điển hình của nông hộ chăn nuôi bò dưới tán điều tại thôn Mê Ka.

Theo ông Kơ Đưng Ha Se, ban đầu vườn điều chỉ trồng thuần cây điều. Hiện, điều đã già, cho năng suất không cao nên kinh tế gia đình khó khăn, ông chỉ trông vào 4 sào lúa nước để có đủ lúa cho gia đình. May mắn năm 2017, được ngành Nông nghiệp Đam Rông hỗ trợ 1 con bò giống, ông Ha Se đã thả bò trong vườn điều, làm một chuồng nhỏ, làm rào quanh vườn điều và gầy dựng lên thành một bầy bò lớn như hôm nay. Ông cho biết, bò do Nhà nước hỗ trợ là bò lai sind, giống bò bản địa lai với bò sind thuần chủng cho vóc dáng to, trọng lượng lớn, lượng thịt cao hơn hẳn so với giống bò vàng bản địa. Khi ông mang bò con về chăm sóc, sau 12 tháng thì có thể phối giống. Sau khi thụ tinh thành công, bò cái mang thai đủ 281 ngày là đẻ. Trung bình, mỗi bò cái đẻ một lứa/năm, mỗi lần một con. Bò con nuôi từ 6-8 tháng có thể xuất bán như bê giống. Nếu không bán bê giống có thể giữ lại để nuôi lớn thành bò thịt nếu là bò đực và nếu là bò cái, có thể tiếp tục cho sinh sản để nhân rộng đàn bò. Ông cũng cho biết, bò cái nuôi khoảng tầm 18 tháng là phối giống tốt nhất, bò mẹ khỏe, con đẻ ra mau lớn, dễ chăm sóc.

Để chăm sóc đàn bò, ông Kơ Đưng Ha Se làm một chuồng nuôi ngay trong vườn điều. Ban ngày, đàn bò tha thẩn trong vườn, ăn cỏ, ăn lá. Tới ban chiều, đàn bò chủ động về chuồng ngủ. Để cấp đủ chất xanh cho bò, ông Ha Se trồng thêm 1, 5 sào cỏ voi, giống cỏ cao sản làm thức ăn cho bò. Ông cắt cỏ, băm nhỏ để bò có thể ăn hết một cách dễ dàng. Ngoài ra, tới mùa gặt, ông thu gom rơm từ ruộng nhà cuộn chặt, đánh đống để dành cho bò ăn thêm những lúc mùa khô thiếu cỏ. Ông cho biết, giá hiện tại một con bê nhỡ khoảng 15-17 triệu đồng, một nguồn thu không nhỏ với gia đình. Lượng phân bò thải ra trong vườn đủ để chăm sóc điều. Còn lượng phân tại chuồng thu được sau mỗi đêm, ông sử dụng bón cho 3 sào lúa nước của gia đình và bán cho các hộ khác. Ông Ha Se chia sẻ: “Nuôi bò dưới tán điều được cái rất mát, bò cũng khỏe hơn nuôi thả ngoài trời. Từ con bò cái đầu tiên do Nhà nước hỗ trợ, tôi đã phát triển thành bầy bò lớn như hôm nay. Nuôi bò thì vừa có bò bán, vẫn thu được trái điều, đồng thời, lúa được bón nhiều phân hữu cơ rất tốt, năm nào nhà tôi cũng thu được 50 bao, dư ăn cả nhà và có cả lúa bán”. Tuy nhiên, ông Ha Se cũng chia sẻ, nuôi bò phải tìm hiểu cách chăm sóc khi bò bệnh, bò sinh sản. Mùa khô, lượng cỏ mọc không đủ nên xảy ra tình trạng thiếu cỏ, bò gầy hơn mùa mưa.

Ông Rơ Jê Ha Sắc, cán bộ thú y xã Đạ Tông đánh giá, mô hình chăn nuôi bò dưới tán điều của hộ ông Kơ Đưng Ha Se là một mô hình thành công. Từ một con bò giống do ngành Nông nghiệp hỗ trợ, ông Kơ Đưng Ha Se đã phát triển thành một bầy bò lớn. Nuôi bò dưới tán điều giúp bầy bò sống trong môi trường mát mẻ, tự do vận động lại không thả rông, phá hoa màu xung quanh cũng như không cần người chăm dắt. Ông Ha Se đã làm chuồng trại đầy đủ cho bò ngủ đêm, trồng cỏ và dự trữ rơm cung cấp thức ăn cho bò. Trong thôn Mê Ka cũng như toàn xã Đạ Tông, nhiều nông hộ đã học theo ông Kơ Đưng Ha Se, nuôi bò bán chăn thả, có thức ăn đầy đủ cho bò. Xã cũng hướng dẫn ông Ha Se cũng như các hộ chăn nuôi bò phải tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, các loại thuốc chữa bệnh cũng như kỹ thuật chăm sóc bò để bò phát triển tốt.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202204/ong-ko-dung-ha-se-nuoi-bo-duoi-tan-dieu-3111488/