Ông lão 83 tuổi và nghĩa trang thú cưng có một không hai ở Việt Nam

Ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có khu đất rộng khoảng 2.000m2, là nơi an nghỉ của gần 10.000 chú chó, mèo; người lập ra nghĩa trang động vật này là một ông lão 83 tuổi.

Video: Nghĩa trang thú cưng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Sâu trong con ngõ ở phố Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có một ngôi chùa đặc biệt mang tên Tề Đồng Vật Ngã, nơi có nghĩa trang dành riêng cho chó mèo độc nhất vô nhị tại Việt Nam do ông Nguyễn Bảo Sinh (83 tuổi) lập ra trên mảnh đất rộng khoảng 2.000m2.

Con vật được chôn cất đầu tiên ở đây vào năm 1969 là chú chó của chính ông. Từ một góc nhỏ dành an táng những thú cưng của gia đình và người thân quen, khu vực này mở rộng dần, đến nay đã là nơi an nghỉ của gần 10.000 chú chó, mèo.

Đây là nơi đầu tiên trên cả nước cung cấp dịch vụ mai táng và các nghi lễ cầu siêu, phóng sinh... dành cho thú cưng.

Ngôi chùa đặc biệt mang tên Tề Đồng Vật Ngã.

Ông Nguyễn Bảo Sinh kể: "Lúc 5 tuổi, tôi đang chăm sóc một con chó đẻ thì bị cắn rất đau, vết sẹo vẫn còn đến tận bây giờ. Khi đó bố tôi nói sau này tôi sẽ rất yêu chó và chó sẽ đồng hành với tôi, nhưng tôi không tin. Càng về sau, tôi càng thấy đúng, cảm thấy bản thân ngày càng yêu thú cưng". Đó chính là lý do lớn nhất khiến ông xây dựng khu nghĩa trang dành cho chúng.

Ông Nguyễn Bảo Sinh.

Ông Nguyễn Bảo Sinh.

Cái tên chùa Tề Đồng Vật Ngã được ông giải thích là mang nghĩa chúng sinh - người và vật - đều bình đẳng, theo quan điểm nhà Phật. Vì thế, ông thực hiện các nghi lễ an táng cho thú cưng như với con người tại đây.

"Nhiều người coi việc làm nghi lễ cho thú cưng là hơi quá khích, nhưng cũng có người tin rằng thú cưng được an táng theo nghi thức đầy đủ sẽ được siêu thoát ở một thế giới khác. Mỗi người có một quan điểm khác nhau", ông Sinh nói.

Rất nhiều người yêu thú cưng, coi chúng là bạn, là thành viên gia đình mình, có cùng suy nghĩ với ông. Đó là lý do ngôi chùa trở thành điểm đến của người yêu chó, mèo khi con vật gắn bó với họ qua đời.

Tại đây, mỗi thú cưng được chôn cất theo ngày giờ mà chủ yêu cầu, đám tang diễn ra trang trọng với đầy đủ trái cây, hương nến, cờ lọng và người chủ lễ.

Sau lễ cầu siêu thường diễn ra trong 15 phút, con vật được mang đi hỏa táng. Sau đó, người chủ sẽ chọn một trong hai giải pháp: Chôn tro cốt, mỗi nấm mộ nhỏ có di ảnh và bát hương; hoặc chỉ để lại di ảnh, còn tro cốt được thủy táng bằng cách rải xuống hồ. Chùa làm lễ cúng cho chúng lúc đầy tuần, 49, 100 ngày, ngày rằm, mùng một.

Giá dịch vụ chôn cất dành cho thú cưng là 7 - 8 triệu đồng, thủy táng khoảng 3-4 triệu đồng. Đây là chi phí trọn gói, bao gồm phí đặt bia mộ và công chăm sóc, trông coi.

Giây phút người chủ bên cạnh thú cưng lần cuối.

Nghi thức mai táng thú cưng tại chùa Tề Đồng Vật Ngã.

Nghi thức mai táng thú cưng tại chùa Tề Đồng Vật Ngã.

Nhiều người sau khi chôn cất thú cưng vẫn đến thường xuyên để thăm bia mộ, thắp hương. Bởi vậy mà nghĩa trang của ông Sinh lúc nào cũng có người ra vào. Có những vị chủ nhân qua lại thăm non tới hàng chục năm. Mặc dù đã nuôi chó mèo khác nhưng họ vẫn không quên người bạn bốn chân trước đây của mình

Các dịp rằm tháng 7, tiết Thanh minh, nhiều chủ nhân mang đến đặt lên mộ thú cưng những thức ăn mặn mà chúng vốn yêu thích. Chùa cũng làm đại lễ cầu an cho tất cả các vong linh chó, mèo ở nghĩa trang. Trên các nấm mộ luôn được thắp hương, đặt hoa và thức ăn chay đầy đủ.

Đây là nơi cung cấp dịch vụ mai táng, chôn cất, lễ cầu siêu, phóng sinh... dành cho thú cưng duy nhất tại Việt Nam.

Thả đèn hoa đăng rằm Tháng 7 tại Nghĩa Trang Thú Cưng Hà Nội.

Trở lại thăm mộ chú chó yêu dấu của mình được chôn cất tại nghĩa trang của chùa Tề Đồng Vật Ngã cách đây vài năm, chị Vân (sống ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc nó có nơi an táng đàng hoàng khiến chị cảm thấy được thanh thản hơn.

Cũng như nhiều người yêu động vật khác, với chị, chú chó không phải vật cưng đơn thuần mà thực sự là người bạn gắn bó nhiều năm, cái chết của nó gây đau buồn, mất mát không kém sự ra đi của người thân.

Chứng kiến nhiều cuộc chia ly giữa người và vật nuôi trong 6 năm làm việc tại nghĩa trang, các chị Nguyễn Thu Trà và Nguyễn Thị Nga cho biết, khi mới đưa thú cưng đã chết đến chùa Tề Đồng Vật Ngã, những người chủ đều khóc vì buồn và thương tiếc, nhưng lúc ra về đã vui vẻ, nhẹ nhõm hơn.

"Ông Bảo Sinh thường an ủi họ rằng, vật nuôi khi mất đi sẽ đến với thế giới tốt đẹp hơn, được luân hồi đầu thai, và điều đó giúp họ vơi buồn", chị Thu Trà nói, cho biết rằng các vị chủ nhân thường cảm thấy thanh thản hơn nhiều sau mỗi lần trở lại thăm mộ bạn cũ.

Chị Trà và chị Nga - hai nhân viên trẻ cũng có tình yêu đặc biệt với thú cưng.

Chị Nguyễn Nhật Anh, 25 tuổi, người đưa mèo cưng của mình đến đây an táng mấy tháng trước, tâm sự: "Mình biết đến chùa từ rất lâu rồi nên khi bạn mèo nhà mình qua đời, hai vợ chồng mang đến đây ngay. Sau khi bạn ấy yên nghỉ, suốt mấy tháng nay, ngày nào mình cũng đến thắp hương và tưởng nhớ, trừ khi có việc bận không ở Hà Nội mình mới không đến. Mỗi lần đến đây, mình đều cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn".

Mặc dù ông Bảo Sinh luôn bị nói là làm việc vô lý, điên rồ khi chôn cất vật nuôi với những nghi thức như với con người, rất nhiều chủ chó mèo đi thăm mộ chúng thường xuyên như chị Nhật Anh, và cảm thấy may mắn vì Hà Nội có dịch vụ mai táng thú cưng, chăm sóc mộ phần và hương khói cho chúng.

Chủ nghĩa trang nói: "Nhiều nước châu Âu có luật bảo vệ động vật, ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Giáo dục con người ta yêu thương nhau, không có gì hay hơn việc giáo dục con người ta yêu thương con vật. Đến con vật mình còn đối xử tốt được thì sao lại không đối xử tốt với mọi người xung quanh chứ.

Tôi thấy những người đưa chó mèo đến đây an táng đều có trái tim nhân hậu, sống phúc đức và cái tình của họ làm tôi thấy thêm tin yêu hơn vào cuộc sống này".

Các phần mộ của thú cưng được sắp xếp và quản lý rất khoa học.

Các phần mộ của thú cưng được sắp xếp và quản lý rất khoa học.

Ông Bảo Sinh xúc động cho biết, cách hành xử của nhiều người chủ khiến ông hoàn toàn tin, họ không hề coi chó, mèo mình nuôi là con vật, mà như con mình, cháu.

Chủ nghĩa trang Tề Đồng Vật Ngã từng sững sờ khi một khách hàng đọc tên con chó của mình để chuẩn bị làm lễ an táng cho nó, cái tên dài 4 chữ giống như tên người với họ, tên và tên đệm. Nhiều người chủ tâm sự với ông Bảo Sinh rằng sau khi họ chết, người nhà sẽ mang tro cốt của thú cưng - vốn được chôn cất tại đây - về đặt bên cạnh nơi họ an nghỉ.

Ông Bảo Sinh cho rằng, những câu chuyện như vậy luôn khiến con người nhân văn hơn, biết yêu thương hơn: "Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, khi giáo dục con người yêu thương động vật thì ngoài ý nghĩa trân trọng vật nuôi, điều đó còn gián tiếp giáo dục tình yêu thương con người".

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ong-lao-83-tuoi-va-nghia-trang-thu-cung-co-mot-khong-hai-o-viet-nam-ar824963.html