Ông lão cầm xấp tiền ra giữa hẻm ở Sài Gòn phát cho người nghèo
Không chỉ miễn phí 3-4 tháng cho người thuê trọ, ông Giảng còn gom sạch tiền mang ra giữa hẻm phát cho người nghèo.
Gần một tuần nay, người dân ở hẻm 147 Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vẫn không ngớt trầm trồ trước hành động cầm xấp tiền ra giữa hẻm phát cho dân nghèo của ông Tư.
Ông Tư tên thật là Lê Tuấn Giảng năm nay đã 78 tuổi, là chủ dãy trọ gồm 15 phòng ở hẻm 147 Lê Đình Cẩn.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Sài Gòn, những công nhân, lao động tự do thuê trọ nhà ông Tư rơi vào thất nghiệp. Không suy nghĩ nhiều, ngay tháng đầu tiên ông giảm 50% tiền phòng cho họ. Về sau thấy dịch càng ngày càng dữ dội, thành phố giãn cách, đời sống cực khó khăn, ông Tư quyết định miễn phí toàn bộ tiền cho cả 15 phòng.
Không chỉ miễn phí phòng, chứng kiến cảnh chật vật, lo từng bữa ăn của người dân trong khu trọ, ông bàn với các con mua gạo, thực phẩm về phát cho từng hộ để hỗ trợ họ trong những ngày tháng khó khăn.
Đặc biệt, cách đây vài bữa, ông Tư bất ngờ vét sạch tiền trong nhà được 16 triệu đồng rồi ra giữa hẻm, gọi những người có hoàn cảnh khó khăn ra tặng mỗi người 200 ngàn đồng.
“Số tiền 200 ngàn đồng rất nhỏ nhưng thời điểm này lại rất quý, nó cũng giúp họ mua đồ ăn được vài bữa”, ông Tư vui vẻ nói.
Việc làm ấm áp của ông đã khiến người dân trong hẻm vô cùng cảm động. Họ quay lại cảnh ông cầm xấp tiền ân cần phát cho từng người rồi đưa lên mạng xã hội. Từ clip đó, nhiều người biết tới và tìm tới để bày tỏ sự ngưỡng mộ khiến con hẻm nhỏ trở nên nhộn nhịp hơn.
Khi được hỏi lý do có những hành động nghĩa hiệp này, ông Tư hiền lành cho biết, bản thân ông xuất phát từ cảnh nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa nên hiểu được khó khăn của bà con trong dịch bệnh.
Hơn 50 năm trước, ông Tư từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề “gõ đầu trẻ” rồi lấy vợ, sinh con tại mảnh đất này. Khi hòa bình lập lại, ông quyết định về quê vợ ở Bến Tre làm rẫy, nhưng rồi một thời gian sau chú lại đưa cả gia đình quay lại Sài Gòn.
Lúc này tuổi đã lớn, không thể tiếp tục công việc dạy học nên ông đi làm thuê, làm mướn nuôi con. Vợ mất đã lâu, cách đây gần chục năm, khi con gái mua đất rồi xây phòng trọ tại đường Lê Đình Cẩn, ông đã dọn về đây trông coi, quản lý khu trọ. Tính cách hào sảng, vui vẻ, chân chất của ông được người dân quanh xóm rất thương quý.
“Rất may chú Tư miễn tiền trọ, thực phẩm, rau củ quả nên gia đình tôi mới trụ lại được ở Sài Gòn chứ không chắc cũng tìm cách về quê từ lâu rồi”, anh Lê Minh Đạt, một người dân trong dãy trọ nhà ông Tư cho biết.
Anh Đạt cho hay, gia đình đã thuê trọ nhà ông Tư hơn 3 năm nay.
“Mấy bữa trước chú mang tiền phát cho người dân nghèo trong hẻm, ai cũng xúc động, cảm kích, chú Tư là người tuyệt vời và hiếm có”, chị Trần Thị Xuân (quê ở Bình Thuận) xúc động nhắc lại việc làm nghĩa tình của ông Tư.
Ở từ khi phòng trọ mới xây tới nay, chị Xuân cho biết, ông Tư rất hiền lành, vui vẻ. Nhờ sự tốt bụng của ông nên cả dãy trọ đã vượt qua được mấy tháng dịch mà không bị áp lực tiền bạc đè nặng.