Ông lão đánh cá bắt được 'con cá vàng', chuyên gia lý giải: Ngàn binh lính thất trận vì thiếu thứ này
Con cá trong tay ông lão là vật bất ly thân của các thống soái, lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận không ít trường hợp bại trận chỉ vì thiếu đi nó.
Vào những năm 1980, Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) tiến hành phổ biến kiến thức di tích văn hóa tại một thị trấn nhỏ ở thành phố Triều Dương. Một ông lão đã mang theo một món đồ bằng đồng hình con cá vàng với hy vọng chuyên gia có thể xác định được giá trị thực sự của món đồ.
Ông lão cho biết món đồ bằng đồng này được ông tìm thấy khi đánh cá ngoài sông cách đây vài năm. Trên đó có khắc những ký tự đặc biệt, nên ông nghĩ rằng đây chỉ là một món đồ trang trí.
Miếng đồng hình con cá vàng có chiều dài 6,6cm, rộng 2,2cm, với phần đuôi không cân đối, được chuyên gia xác định là đồ đồng thời nhà Liêu (907 - 1125) được biết đến với tên gọi "ngư phù" - nghĩa là binh phù hình con cá.
Trong thời chiến, binh phù là tín vật của các thống soái, được sử dụng để điều khiển binh lính. Chúng được làm bằng các chất liệu khác nhau như đồng, ngọc, gỗ và đá.
Nếu không có binh phù thì thống soái không có quyền điều binh khiển tướng, bởi vậy lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận không ít trường hợp bại trận chỉ vì đánh mất binh phù.
Tùy từng giai đoạn lịch sử, binh phù có tạo hình khác nhau. Theo sử liệu, ban đầu binh phù được tạo hình con hổ, gọi là hổ phù, hình dáng này phổ biến vào thời Chiến Quốc, nhà Tần và nhà Hán.
Tuy nhiên, đến thời Lý Nguyên, hoàng đế của nhà Đường lên ngôi, Lý Nguyên đã bỏ biểu tượng con hổ và thay thế bằng biểu tượng hình con cá để tránh phạm húy tổ tiên của ông tên Lý Hổ.
Ngoài ra, biểu tượng hình cá cũng thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của vùng đồng bằng miền trung đối với vị hoàng đế này.
Các chuyên gia cũng tìm thấy sử liệu có ghi chép Liêu Thái Tổ - là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Liêu đã từng sở hữu vài tấm ngư phù nên các ký tự trên "con cá vàng" mà ông lão tìm thấy được kết luận là ký tự của nhà Liêu.
Sau khi biết được giá trị thực sự của ngư phù, ông lão đã chủ động giao nộp cổ vật cho Bảo Tàng Liêu Ninh. Phát hiện của ông lão là một bằng chứng cho sự thay đổi hình dáng của binh phù qua các triều đại lịch sử Trung Quốc.