Ông Lê Minh Quốc: Báo chí góp phần quan trọng giúp tiếng Việt phong phú hơn
Nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc cho rằng dù bất kể ngành nghề nào, việc gìn giữ tiếng Việt trong đời sống hàng ngày lẫn công việc là điều rất quan trọng.
Lời tòa soạn
Nhiều người làm báo chọn viết sách như trải nghiệm mới để thử thách bản thân hay tham gia một “trò chơi” của ngôn từ, thông tin, các dữ liệu, sự kiện thu thập được dọc đường tác nghiệp và cả những nhân vật thú vị mà họ có cơ hội gặp gỡ. Không thể phủ nhận những cuốn sách từ các nhà báo chuyên nghiệp góp phần làm đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam, mang đến cho độc giả nhiều trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, bút lực dồi dào, thể loại phong phú và những thông điệp được hệ thống bài bản. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu một số nhà báo đã ghi dấu ấn cá nhân với các cuốn sách của mình.
- Từ nhà báo, Lê Minh Quốc trở thành nhà văn, nhà thơ, làm công việc gắn liền câu chữ nhiều năm cho anh suy nghĩ gì?
Tôi may mắn tham gia hai ngành viết văn và làm báo trong suốt mấy chục năm qua. Thực tế, nhiều nhà báo lâu năm nếu có tư duy, chất liệu cũng có thể trở thành nhà văn.
Hầu hết nhà báo tại Việt Nam, theo cảm nhận của tôi, họ đều có tư duy viết sách. Chúng ta có thể thấy hàng loạt sách ra đời đều xuất phát từ bài báo, phóng sự ban đầu.
Với tôi, nghề báo là nghề luôn đồng hành với nhà văn, giúp nhà văn có thêm chất liệu đời sống, nhân tình thế thái và từ đó sáng tạo ra tác phẩm. Hai lĩnh vực này không đối nghịch nhau, trái lại hỗ trợ, tôn vinh và làm giàu có cho nhau.
Khi làm thơ, viết báo hay nghiên cứu, tất cả đều nằm trong 1 con người tôi. Vấn đề là mình làm thế nào để khơi dậy hạt giống bên trong. Thế nên để gọi là nhà thơ, nhà văn hay nhà báo, tôi nghĩ điều đó không quan trọng.
Các danh xưng ấy không ý nghĩa gì trong cuộc đời này cả. Nó chỉ cần thiết khi việc bạn làm ra có giúp gì cho cộng đồng xã hội và có lương thiện hay không. Tôi chỉ dám nhận mình là người biên chữ, sống nhờ chữ, tôi không có vốn liếng gì ngoài chữ.
- Nhiều người mặc định nhà báo khô khan, nhà văn ướt át, theo anh sợi dây liên kết 2 công việc này là gì?
Suy nghĩ đó xuất phát từ định kiến mà tôi cho là không đúng. Có nhiều bài thơ, tiểu thuyết viết bay bổng nhưng đọc rất tệ, vô hồn. Ngược lại một số bài báo chỉn chu lại hấp dẫn được độc giả. Chúng ta đừng nên phân biệt báo chí hay văn chương phải thế này thế nọ. Một tác phẩm tốt trước hết là phải chạm đến trái tim người đọc.
- Anh có sức viết khỏe, đều đặn ra sách mỗi năm, anh trau dồi cảm hứng thế nào để giữ ngòi bút luôn đầy đặn như thế?
Tôi làm bạn với cây bút từ hồi trẻ. Từ năm lớp 7, tôi đã có thơ in trên báo. Lớn lên đi bộ đội, tôi ghi chú lại những kỷ niệm nơi chiến trường. Môi trường quân đội rèn cho tôi tính kỷ luật, làm việc bài bản, quy tắc. Khi trở về cuộc sống bình thường tôi vẫn duy trì nếp sinh hoạt như thế.
Đến nay, tôi ra mắt hơn 50 cuốn sách, riêng thơ là 10 cuốn. Trong bất cứ công việc nào bạn phải tìm thấy niềm vui trong đó, nghề viết không ngoại lệ. Chúng ta viết không vì tiếng vỗ tay, giải thưởng hay lời ca tụng của ai mà viết cho bản thân, người xung quanh và đưa đến độc giả một cách chân tình nhất.
- Việc lan tỏa văn hóa đọc đến người trẻ, anh nhìn nhận thế nào từ góc độ của mình?
Vấn đề này không ai giải đáp được trọn vẹn. Việc đọc sách phải hình thành từ khi còn nhỏ. Một người đến năm 30 tuổi không đọc quyển sách nào, nếu giờ bắt họ đọc thì gần như không thể.
Mỗi người phải tự tập thói quen, có thể nhìn vào cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo. Muốn người trẻ đọc sách thì phải chấp nhận cho họ nghe sách nói, trên điện thoại, iPad… bằng đa dạng hình thức khác nhau. Thời đại tiến bộ bắt buộc cách đọc sách phải thay đổi.
Xã hội hiện nay nhận thức một người thành đạt là phải xe hơi, nhà to, hàng hiệu… Họ không đánh giá sự thành công bằng việc anh đọc bao nhiêu cuốn sách, nhà có tủ sách hay không. Cá nhân tôi lại đánh giá một người nhà có tủ sách giá trị cao gấp nghìn lần nhà có tủ rượu.
Mọi người phải thay đổi khái niệm về văn hóa, nếu không chúng ta sẽ trượt dài, bỏ quên đi giá trị tri thức.
- Anh cảm nhận ra sao về tiếng Việt được sử dụng trên báo chí - truyền thông hiện nay?
Tôi nghĩ dù muốn hay không báo chí đã góp phần quan trọng hình thành tiếng Việt với vốn từ mới, phong phú hơn. Tiếng Việt không bao giờ đứng yên, nó phải vận động, thay đổi để phù hợp với thời đại. Đó là điều rất tích cực và đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, điều lo ngại là một bộ phận nhà báo hiện nay không nắm vững tiếng Việt. Chính vì thiếu kiến thức, họ sử dụng các từ ngữ một cách khiên cưỡng, vô tội vạ, dẫn đến sự méo mó.
Hay chuyện một câu văn phải chèn tiếng nước ngoài vào. Tôi cho đó là sự lười biếng, không tìm hiểu kỹ. Tiếng Việt ta rất phong phú, giàu đẹp, cớ sao phải lồng ghép vô tội vạ như thế? Là người viết, bạn phải trân trọng, nâng niu câu chữ mới mong truyền tải tình yêu đọc đến độc giả. Tôi nghĩ dù nhà văn, nhà báo hay bất kỳ ngành nghề nào cũng phải ý thức giữ gìn tiếng Việt.
Có một chương trình gọi tên là Vua tiếng Việt, tôi thấy vô lý. Trong tiếng Việt, không có ai là "Vua" cả. Chúng ta đang học hỏi lẫn nhau, nhìn ra ưu khuyết điểm để sửa lỗi, phát triển. Có thể show nội dung tốt, cách làm ổn nhưng việc thậm xưng như thế nghe rất nhạy cảm.
59 tuổi mới có con, quỹ thời gian của tôi không nhiều
- Đón thiên thần nhỏ chào đời ở tuổi 59, cảm xúc anh thế nào?
Tôi nghĩ bất kỳ bậc phụ huynh nào khi có con đều cảm giác như được tái sinh một lần nữa. Người ta nhìn thấy mình qua đứa bé, cảm giác như sống thêm 1 đời sống thứ 2.
Lên chức cha, có rất nhiều lần đầu tiên xảy ra trong đời tôi. Lần đầu tiên thức khuya dậy sớm trông con. Lần đầu mất ăn mất ngủ khi con ốm sốt. Lần đầu tiên biết đến nỗi khắc khoải ngày con đi mẫu giáo. Lần đầu tiên mơ ước xa xôi với nhân vật chính chẳng phải bản thân mà là con gái bé bỏng...
Ông bà ta hay bảo: “Nước mắt chảy xuôi”. Khi cha mẹ bệnh, bạn không lo lắng quá nhiều vì suy nghĩ vẫn còn có anh, chị, mọi người chăm và mặc định đến tuổi già phải như thế.
Nhưng với con thì khác, nó quá bé để chịu đựng cơn sốt ho, mệt lả người. Chính lòng thương cảm ấy dội lên trong mình, kèm trách nhiệm, nghĩa vụ của đấng sinh thành. Có con, tôi hiểu lòng mình và yêu thương cha mẹ hơn.
- Anh trăn trở ra sao khi sức khỏe, thời gian mình đang hẹp dần, trong khi con còn quá nhỏ?
59 tuổi mới có con, quỹ thời gian của tôi không nhiều. Ngoài thời gian sáng tác, tôi dành mọi thứ còn lại cho gia đình, đặc biệt là thiên thần nhỏ.
Tôi từng suy nghĩ 20 năm nữa khi mình 80 tuổi, con khi ấy chỉ mới bước vào đời. Chắc chắn tôi không đủ sức khỏe, sự minh mẫn để trò chuyện cùng con. Tôi chuẩn bị ngay từ bây giờ, những điều gì muốn dạy dỗ, tâm sự đều nói với bé.
Mỗi ngày, tôi viết lại nhật ký hành trình trưởng thành của con. Những dòng chữ được in trong từng quyển sách là món quà, tài sản tôi muốn để lại cho con sau này.
Nhiều người thắc mắc tại sao điều tôi viết về con lại được đón nhận? Có lẽ tôi không chỉ viết cho con, mà đặt một điều cao hơn: Viết thay cho những người như mình - đều muốn gửi gắm nỗi niềm đến thế hệ trẻ. Những cảm xúc vu vơ, bình dị mà tràn ngập yêu thương từ tấm lòng của người làm cha làm mẹ.
- Bà xã anh từng là một nhà báo, hẳn 2 vợ chồng dễ dàng có sự đồng cảm trong công việc, đời sống?
Vợ chồng tôi phân chia vai trò rất cụ thể. Tôi lo kinh tế, bao nhiêu tiền kiếm được đều mang về đưa hết cho bà xã. Ở nhà tôi chỉ có đúng 1 nhiệm vụ duy nhất: quan sát và ghi nhận quá trình trưởng thành của con. Còn mọi việc từ bếp núc, chuyện nhà cửa, học hành của con… tất cả đều do bà xã gánh vác.
Vợ kém tôi nhiều tuổi nên ít nhiều có khoảng cách. Chúng tôi cố gắng dung hòa, thấu hiểu, tôn trọng nhau. Mỗi nhà mỗi cảnh nên sẽ có chuyện vui buồn, hạnh phúc lẫn âu lo. May mắn vợ làm chung nghề nên rất hiểu và thông cảm cho tôi.
Tôi là ông bố bỉm sữa không giỏi. Tôi hay nói đùa mỗi lần tắm rửa, thay tã, vỗ con ngủ là cảm giác như “vượt núi trèo non”. Ngay cả việc chơi với con mình cũng không đủ sức khỏe, sự kiên nhẫn cả ngày. Lúc ấy, bà xã thay tôi gánh vác mọi việc. Chứng kiến vợ thức khuya dậy sớm, tôi thầm biết ơn và thương cô ấy nhiều hơn.
Nhà báo Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, từng là bộ đội ở chiến trường K (1977 – 1982), nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ của Báo Phụ Nữ TPHCM, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Anh là cây bút đa tài và sung sức của làng văn làng báo, đã xuất bản hàng chục đầu sách ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, biên khảo...
Một số giải thưởng văn chương của Lê Minh Quốc: Giải Nhất thơ kỷ niệm 10 năm Thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong (1985), Giải thưởng thơ Hội Nhà văn TPHCM, Giải C Giải thưởng sách Quốc gia năm 2020 với tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến. Các tập thơ xác lập tên tuổi của Lê Minh Quốc như: Trong cõi chiêm bao (NXB Văn Nghệ TPHCM, 1989), Tôi vẽ mặt tôi (NXB Văn hóa Thông tin, 1994), Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung với Đoàn Tuấn, NXB Văn Học, 1998), Yêu em, Đà Nẵng (NXB Trẻ, 1999), Hành trình của con kiến (Trường ca - NXB Trẻ, 2006)…
Ảnh: NVCC, Internet
Bài 4: Tác giả Phùng Hiệu: 'Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn'