Ông Lê Quang Mạnh làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách

Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách với ông Nguyễn Phú Cường và phê chuẩn Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh giữ chức vụ này.

 Tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Việt Linh.

Tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Việt Linh.

Chiều 22/5, với 468/469 đại biểu có mặt tán thành, tương đương 94,74% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Ông Lê Quang Mạnh sinh năm 1974, quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là tiến sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Tháng 5/2019, ông Lê Quang Mạnh được Ban Bí thư luân chuyển, điều động và chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ và giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngày 3/6/2019, HĐND TP Cần Thơ bầu ông Lê Quang Mạnh làm Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước khi được luân chuyển về Cần Thơ, ông là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ.

Trước đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách với ông Nguyễn Phú Cường. Theo Ban công tác đại biểu, ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm đại biểu, thôi tất cả các chức vụ trong Quốc hội.

Ngày 15/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngay sau phiên khai mạc sáng 22/5, Quốc hội khóa XV đã họp bàn về công tác nhân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường (Đoàn Đồng Nai).

Sau quy trình thảo luận tại đoàn và tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chiều 22/5, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tài chính Ngân sách gồm: Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Ngoài ra, cơ quan này còn thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán Nhà nước; Giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách; giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, kiểm toán Nhà nước.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-le-quang-manh-lam-chu-nhiem-uy-ban-tai-chinh-ngan-sach-post1433381.html