'Ông lớn' dầu mỏ thu lợi khủng chưa từng có trong lịch sử vì lệnh trừng phạt Nga?
Chưa bao giờ trong lịch sử, các doanh nghiệp dầu mỏ lớn lại thu được nhiều lợi nhuận như năm 2022.
Những con số kỷ lục
Tổng lợi nhuận mà 6 tập đoàn dầu mỏ là Exxon Mobil, Chevron, Shell, BP, Equinor và Total Energies thu được trong năm 2022 là 204 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2021 trước đó. Đây là một con số kỷ lục. Tuy nhiên, nguồn cung dầu vẫn được đánh giá là hạn chế.
Theo Tổng Giám đốc điều hành mới của tập đoàn Shell, ông Wael Sawan, mặc dù lợi nhuận đạt mức rất cao nhưng thực tế lại dựa trên một hệ thống chưa được đầu tư đúng mức. Kết quả là giá năng lượng không ổn định như năm 2021, đặc biệt là trong lĩnh vực khí đốt.
Năm 2022, lợi nhuận mà tập đoàn dầu khí của nước Anh đạt được đã tăng gấp đôi so với năm 2021, từ mức 20 tỷ USD lên 40 tỷ USD. Bất chấp kết quả kinh doanh kỷ lục, Shell thông báo rằng trong thời điểm hiện tại, tập đoàn này sẽ không gia tăng đầu tư vào năng lượng xanh.
Năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư 3,4 tỷ USD vào năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió và các dạng năng lượng ít phát thải khí carbon khác.
Thay vì tập trung vào chuyển đổi xanh, Tổng Giám đốc điều hành mới của Shell có kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh khí đốt trong năm 2023. Ông khẳng định rằng trong một thời gian dài nữa, thế giới vẫn không thể thiếu năng lượng hóa thạch.
Các doanh nghiệp dầu mỏ khác như Exxon và BP cũng đang chú trọng hơn vào việc kinh doanh nhiên liệu hóa thạch và muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn từ nhu cầu ngày càng cao về dầu và khí đốt. Tuy nhiên, bất chấp các khoản đầu tư gia tăng, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ khan hiếm và giá cả sẽ duy trì ở mức cao.
Ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, năm 2023, nhu cầu dầu thô có thể tăng thêm 1,9 triệu thùng lên 101,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, mặc dù mức độ và tốc độ mở cửa trở lại của Trung Quốc sau đại dịch vẫn chưa rõ.
Các tập đoàn dầu mỏ đã được hưởng lợi lớn từ giá năng lượng tăng vọt trong năm 2022. Vào mùa Hè năm 2022, giá một thùng dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên gần 125 USD, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Thị trường tiếp tục khan hiếm
Do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga - một trong những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt quan trọng nhất thế giới - giá dầu mỏ và khí đốt đã gia tăng mạnh mẽ. Trước đó, tình hình thị trường dầu khí cũng đã căng thẳng từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên lên mức cao vượt mọi kỷ lục: So với mức trước khủng hoảng, giá một MWh khí đốt trên thị trường giao ngay tăng tới 1000%.
Thời điểm hiện tại, giá dầu và khí đốt trên thị trường thế giới đã bình thường trở lại. Giá dầu Brent Biển Bắc hiện ở mức 85 USD/thùng. Một MWh khí đốt chỉ còn dưới 60 euro (64,18 USD). Đối với các tập đoàn dầu khí, giá cao đồng nghĩa với lợi nhuận thu được tăng mạnh.
Nhu cầu cao về dầu mỏ và khí đốt tăng cao khiến tập đoàn BP của Anh dự định sản xuất nhiều nguyên liệu hóa thạch hơn tới năm 2030 so với kế hoạch.
Ban đầu, BP có kế hoạch giảm 40% sản lượng so với năm 2019, nhưng hiện tại, BP dự kiến chỉ giảm 25%. Chủ tịch BP Bernard Looney cho biết, tập đoàn này sẽ đầu tư thêm 8 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch cho tới năm 2030.
Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp dầu mỏ phương Tây không muốn đầu tư lớn vào nhiên liệu hóa thạch mặc dù nhu cầu vẫn tăng. Do đó, theo lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ Darren Woods, thị trường dầu khí thế giới sẽ tiếp tục khan hiếm và giá cả sẽ biến động không ngừng.
Lãnh đạo tập đoàn dầu khí Total Energies của Pháp Patrick Pouyanné cho rằng, không loại trừ khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại mức 100 USD/thùng trong thời gian tới.
Chuyên gia dầu mỏ Rebecca Fitz từ Công ty tư vấn BCG cho hay, thực tế 5 tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của phương Tây (Exxon Mobil, Chevron, Shell, BP và Total Energies) đều tăng đầu tư vào việc thăm dò các dự án dầu khí mới, nhưng mức tăng chỉ vừa đủ để "chống lại tác động của lạm phát chi phí".
Những "ông lớn" trong ngành dầu khí vẫn đang tập trung vào việc phân bổ vốn cũng như tạo ra giá trị và lợi nhuận, thay vì tăng số dự án. Điều này có nghĩa là thay vì đầu tư xây dựng dự án mới, những khoản lợi nhuận kỷ lục chủ yếu được dành cho việc chia cổ tức và mua lại cổ phần.
Hiện tại, tất cả 5 tập đoàn này đều tăng cường chia lợi nhuận cho các cổ đông, đồng thời có kế hoạch mua lại tổng số cổ phần trị giá hơn 100 tỷ USD trong 2 năm tới.
Ngược lại, các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích mạnh mẽ các quyết định của nhóm 5 tập đoàn lớn này. Sau kết quả kỷ lục của Shell, tổ chức Client Earth ở Anh thậm chí đã đệ đơn kiện từng người trong số các thành viên ban điều hành của tập đoàn này.
Client Earth cáo buộc các thành viên lãnh đạo tập đoàn Shell đã không chuẩn bị đầy đủ trước những rủi ro của biến đổi khí hậu.
Client Earth không chỉ là một tổ chức môi trường phi lợi nhuận mà còn là một cổ đông của Shell. Trong vụ kiện này, các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Client Earth nhận được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ trong các quỹ hưu trí và quản lý tài sản.