Ông Luần làm giàu trên vùng đất mới
– Với tâm niệm “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Luần cùng vợ là Nguyễn Thị Đương, ở xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng đã quyết chí vươn lên làm giàu, biến vùng đất khô cằn sỏi đá trở thành mảnh đất cho hoa thơm, trái ngọt.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hưng Yên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc và sống ở quê một thời gian, năm 2003, hai vợ chồng cựu TNXP Trần Văn Luần và Nguyễn Thị Đương đã chọn mảnh đất Hữu Lũng, Lạng Sơn để lập nghiệp. Ông Luần cho biết: Hưng Yên vốn đất chật, người đông, gia đình lại đông anh em, được người quen giới thiệu, ông đã mua mảnh đất của một người tên là Tiến ở thôn Tân Hương, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng và di chuyển cả gia đình gồm vợ và 3 người con lên đây sinh sống từ năm 2003 đến nay.
“Trước kia chỗ vườn này cỏ mọc um tùm, toàn cây xấu hổ, vén đi vào còn khó, nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Mảnh đất đồi khô cằn đá sỏi, um tùm cây cỏ dại, nay đã trở thành một mảnh đất màu mỡ với bạt ngàn cây trái” – Ông Luần vừa dẫn mọi người thăm vườn, vừa chia sẻ.
Ngắm nhìn mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông, mọi người không khỏi trầm trồ và thán phục bởi nghị lực phi thường của hai vợ chồng ông Luần. Trong 20 năm dày công chăm bón, dám nghĩ dám làm, vợ chồng ông Luần đã nhiều lần chuyển đổi cây trồng để phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và hoàn thành tâm nguyện cải tạo vùng đất hoang hóa thành mô hình kinh tế tổng hợp.
Hiện nay, với diện tích cây trồng lên tới hơn 3ha, vườn cây trái của gia đình ông bà gồm nhiều loại cây trồng đã cho thu hoạch như: chuối tiêu hồng khoảng 400 gốc, bưởi da xanh, bưởi Diễn khoảng 250 cây, bưởi ruột đỏ Tân Lạc (giống mới năng suất cao) 20 gốc, 20 cây mít Thái, 30 cây nhãn lồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất trống dưới các tán lá, ông Luần trồng thêm cây địa liền – một loại cây dược liệu được dùng để làm thuốc, mỗi năm thu từ 3 đến 4 tấn. Ước tính mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ mô hình được trên 300 triệu đồng khi đã trừ chi phí.
“Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Tôi cứ động viên bà ấy chịu khó cần cù bù thông minh, lúc nào cũng nghĩ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây nào không thành thương hiệu nữa thì chúng tôi chuyển cây khác” – Ông Luần bộc bạch thêm. “Chẳng hạn, khi cây bưởi Diễn có giá trị thấp thì tôi chuyển sang cây bưởi ruột đỏ Tân Lạc có giá trị kinh tế cao hơn, trồng chuối tiêu hồng để lấy ngắn nuôi dài, hoặc mạnh dạn trồng cây mít Thái giá trị kinh tế cao, cũng có khi tận dụng diện tích trống để trồng rau xanh để bán tăng thêm thu nhập”. Do vậy, mùa nào trong vườn nhà ông Luần cũng có hoa thơm, trái ngọt và có thu nhập đều.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hữu Lũng Nông Quang Ban cho biết: Gia đình cựu TNXP Trần Văn Luần có tinh thần vì nghĩa tình đồng đội, là hội viên cựu TNXP ông luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tư tưởng dám nghĩ dám làm, dám xây dựng và thay đổi mô hình kinh tế tổng hợp, luôn tạo điều kiện cho hội viên cựu TNXP phát triển và thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Hội cựu TNXP Hữu Lũng đánh giá rất cao về trách nhiệm, tinh thần của gia đình cựu TNXP Trần Văn Luần. Học tập ông, hiện nay, trong tổng số 211 hội viên trên địa bàn toàn huyện, thì có 159 hội viên tham gia làm kinh tế, trong đó có 35 trang trại và có 92 hội viên làm kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, mô hình của gia đình ông Luần là mô hình điển hình của huyện.
Ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh đánh giá: Hai vợ chồng ông Luần, bà Đương đều là cựu TNXP, mặc dù tuổi đã cao, nhưng vẫn mạnh dạn tự xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, với mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng là điều hiếm thấy, ông cũng là người dám nghĩ, dám làm, dám chuyển đổi mô hình cho phù hợp với tình hình thực tế và là tấm gương sáng để các hội viên Hội cựu TNXP trên địa bàn toàn tỉnh học tập, noi theo.
Mặc dù đều đã ở tuổi ngoài 70, nhưng hai vợ chồng ông bà vẫn luôn tâm niệm “Tuổi trẻ xông pha, về già mẫu mực”, sống xứng đáng với phẩm chất của thanh niên xung phong Việt Nam mà Bác Hồ từng căn dặn: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí sắt làm nên”. Nghị lực của ông Luần, bà Đương sau gần 20 năm xây dựng đã cho hương thơm, trái ngọt. Ghi nhận thành quả, từ năm 2017 đến năm 2022, hai vợ chồng ông Luần, bà Đương đã 4 lần vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 3 lần được nhận giấy khen của Hội Cựu TNXP tỉnh và huyện vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, đó cũng chính là ghi nhận của chính quyền địa phương, của Hội cấp trên đối với những cống hiến của 2 vợ chồng cựu TNXP – ông Luần, bà Đương trên vùng đất mới.