Ông Lưu Bình Nhưỡng: Xử lý 'như tặng quà' cho cán bộ sai phạm tạo ra bất công
'Cách xử lý như kiểu tặng quà cho cán bộ sai phạm đã tạo ra sự bất công và chính vì thế không buộc người xấu tu thân sửa mình', đại biểu Nhưỡng nói.
Ngày 30/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Trước khi phát biểu, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện (đại biểu đoàn Bến Tre) gửi tới các gia đình nạn nhân của nạn buôn người tại hạt Essex nước Anh lời chia buồn sâu sắc, mong rằng các gia đình không nên tin tưởng trao số phận và tiền bạc cho bọn buôn người tàn bạo như vậy.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đạo đức của cán bộ và đạo đức xã hội và cho rằng, hiện nay bên cạnh màu hồng của nền kinh tế xã hội, còn có màu tối.
Đó là tình trạng xâm hại tình dục từ già đến trẻ; Tình trạng ném xác lợn chết xuống sông, kênh rạch không cần biết đến người cuối nguồn; Tình trạng đổ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến hàng vạn dân Thủ đô Hà Nội, tình trạng bảo kê cho doanh nghiệp vi phạm…;
Tình trạng thu hồi đất của dân khi chưa có phê duyệt quy hoạch, chưa có dự án tái định cư cho dân...;
Tình trạng rút ruột công trình, sử dụng xe công bừa bãi, cán bộ gian lận điểm thi chỉ muốn con em mình được điểm cao đã loại đi cơ hội của hàng trăm em khác…;
Tình trạng làm điêu "tô hồng, vẽ phượng" còn nhiều, giả mạo hồ sơ để hưởng các chế độ chính sách;
Tình trạng thương binh giả, liệt sĩ giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, sư giả... rất nhiều thứ giả trong xã hội.
Theo đại biểu, bên ngoài là hành vi vi phạm pháp luật nhưng bên trong đúng như báo cáo của Chính phủ, đó chính là sự vi phạm đạo đức.
“Nguy hiểm vì đạo đức chính là gốc rễ, vô đạo vô lương sẽ là nguồn gốc của lòng tham, thấy đúng không dám nói, không dám bảo vệ, thấy sai thì bao che, diệt khẩu ngăn lối dư luận.
Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng.
Hiện tại có lẽ vẫn còn cán bộ xấu lẩn khuất trong các cơ quan, đơn vị tạo ra quốc nạn tham nhũng, làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đây chính là căn bệnh ung thư di căn về nhân cách mà chúng ta cần phải loại bỏ ra khỏi xã hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Nhưng chúng ta không thể loại bỏ bằng các biện pháp thông thường mà phải quyết liệt.
Tôi nghĩ việc "phát huy, tăng cường, đảm bảo, kiên trì" hiện nay là không ăn thua.
Chúng ta cần quyết liệt, thực tế hơn, tuyên chiến cắt bỏ hạch di căn đó ra khỏi cơ thể.
Cử tri rất bức xúc vì đã có tình trạng khoan hồng, giơ cao đánh khẽ với cán bộ sai phạm nghiêm trọng đường lối, chính sách thời gian qua.
Cách xử lý như kiểu tặng quà cho cán bộ sai phạm đã tạo ra sự bất công và chính vì thế không buộc người xấu tu thân sửa mình. Ngược lại, họ sẵn sàng hy sinh đời bố cũng cố đời con”, đại biểu nói.
Đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh: “Một trong những điều tôi phát hiểu ở hội trường tại kỳ họp thứ 2 là triết lý về nền kinh tế có đạo đức. Tại kỳ họp thứ 4, tôi cũng đề nghị Quốc hội thể hiện vai trò mạnh mẽ giám sát quyền lực để đồng hành cùng Chính phủ, cơ quan tư pháp. Ngày hôm nay, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu vấn đề này.
Đề nghị Quốc hội triển khai giám sát tối cao hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Sức mạnh của Quốc hội chính là sức mạnh của giám sát, giúp cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp nhìn nhận các vấn đề để cùng thực hiện tốt các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế xã hội”.