Ông Minh 'cô đơn' của người nghèo

Ngày của ông Minh 'cô đơn' dài lắm! Bắt đầu từ 4 giờ sáng, kéo đến tận 11 giờ khuya. Lúc nào cũng luôn tay, luôn chân, điện thoại réo suốt, dãi nắng dầm mưa khiến da đen sạm, nhăn nheo. Vậy mà ông thấy vui bởi mình có ích cho đời.

Ông Minh vệ sinh chiếc xe ba gác, chuẩn bị cho chuyến dọn nhà tiếp theo.

Ông Minh vệ sinh chiếc xe ba gác, chuẩn bị cho chuyến dọn nhà tiếp theo.

Ngày của ông Minh "cô đơn" dài lắm! Bắt đầu từ 4 giờ sáng, kéo đến tận 11 giờ khuya. Lúc nào cũng luôn tay, luôn chân, điện thoại réo suốt, dãi nắng dầm mưa khiến da đen sạm, nhăn nheo. Vậy mà ông thấy vui bởi mình có ích cho đời.

Tiệm vá xe 0 đồng

Ông Minh năm nay tròn 60 tuổi, ông đã cư ngụ tại làng Ðại học Thủ Ðức hơn 20 năm nay. Ông nói: "Người ta gọi mình là Minh "cô đơn" đâu có sai, bởi hồi đó đến giờ tôi sống đơn thân ở tấm lều bạt che tạm gần hồ Ðá, không vợ, không con, cha mẹ thì thất lạc từ tấm bé". Nhớ lại thời mới tới làng Ðại học Thủ Ðức tìm kế sinh nhai, ông Minh không biết chữ, cũng chẳng quen ai cho nên không dễ kiếm việc. Ông đi lượm ve chai kiếm sống. Gom góp tiền mua được chiếc xe cà tàng, ông chuyển sang chạy xe ôm, ngày kiếm mấy chục nghìn, cơm nước qua bữa không cậy nhờ ai. "Có hôm chạy xe ban tối, tôi bị thủng bánh xe. Kiếm được tiệm sửa thì người ta phá banh cả ruột lẫn vỏ, đòi tiền. Trên đường về tôi nghĩ, giá như mình biết sửa xe sẽ giúp được những người lỡ đường hư xe. Mấy ngày sau đó tôi cứ mở rồi gắn vỏ, ruột xe, cuối cùng cũng làm được", ông Minh kể lại.

Tự học cách vá, sửa xe, thấy ổn, ông ra ngã tư gần nơi ở mở tiệm sửa xe miễn phí. Ông nhờ người ta viết giúp dòng chữ "Bơm vá xe miễn phí" bằng sơn đỏ, sơn xanh trên chiếc máy bơm kèm số điện thoại để người đi đường dễ nhận ra. Vậy mà nghề bơm vá xe miễn phí theo ông cũng gần 15 năm nay, cái nghề 0 đồng. Có hôm đang trên đường về gặp một sinh viên đang dắt chiếc xe tay ga tìm nơi sửa, ông nói: "Ðể chú đưa xe lên ba gác chở về nhà cho con. Ðêm hôm thế này toàn tiệm sửa ẩu, lại tốn tiền. Sáng mai rồi con đem sửa. Chú không biết sửa tay ga, chứ không chú giúp tại đây luôn". Nói xong, ông cười tươi rồi chở cả người lẫn xe về nhà an toàn. Cứ vậy, số điện thoại của ông được lưu vào máy của biết bao người lạ để chẳng may gặp sự cố giữa đường, họ cậy nhờ. Mỗi tháng, tiền vỏ xe, ruột xe dành tặng sinh viên, người đi đường cũng xấp xỉ bốn triệu đồng. Vậy mà nghe ai hỏi, chú đều cười khà khà, khua tay: "Giúp người mà tính toán chi. Mình có ăn uống gì bao nhiêu đâu, cũng chẳng con cái cho nên cứ sống vậy trời thương cho khỏe mạnh hoài hoài nè".

Giúp người là niềm vui

Cả ngày chạy xe ôm, vá xe mệt lả nhưng tối đến, ông Minh đi mấy vòng xem có ai cần giúp không. Thấy người đàn ông thân quen chạy xe chầm chậm, nhiều người vẫy tay chào: "Ðến giờ đi tuần rồi đúng không ông Minh cô đơn". Nhờ thường xuyên đi dạo mỗi tối mà ông đã kịp thời phát hiện nhiều vụ cướp hay những người có âm mưu quấy rối nữ sinh viên để hỗ trợ kịp thời. Sinh viên khu này tôn trọng ông lắm, phong ông làm "hiệp sĩ".

Gần đây, ông Minh ngưng chạy xe ôm, chuyển sang chạy xe ba gác dọn nhà, chở hàng. Chiếc ba gác đầu tiên được mạnh thường quân góp tiền để mua sau một tai nạn trong đêm. Giờ nhắc lại đêm kinh hoàng ấy, khi lều bạt và xe máy bị kẻ xấu thiêu rụi, ông vẫn rùng mình. Mạnh thường quân góp tặng 100 triệu đồng, nhận mà tay ông run run, vừa xúc động vừa lo. "Hồi đó đến giờ tôi chưa cầm trong tay số tiền lớn như vậy. Người ta nói tặng để tôi dưỡng già, lo cho bản thân. Nhưng đó là tiền cực khổ của mọi người, tôi phải nghĩ ra cách làm gì cho có ích. Vậy là tôi mua chiếc ba gác đi chở hàng, dọn nhà miễn phí. Còn 50 triệu đồng, tôi mua chiếc xe máy cũ gần chín triệu đồng tặng anh Ba (chỉ còn một mắt) chạy xe ôm. Con anh ấy bị tâm thần. Tôi cho anh Hai bán vé số chiếc xe gần tám triệu nữa. Sau đó mua bảy xe máy, 10 xe đạp cũ tặng mấy bạn sinh viên nghèo quanh đây nè. Có bao nhiêu tôi chia sẻ hết", ông Minh kể lại.

Chiếc ba gác đó không chỉ theo ông Minh đi chở hàng, dọn nhà miễn phí cho sinh viên, người lao động nghèo trong khu mà còn rong ruổi khắp TP Hồ Chí Minh hỗ trợ mọi người. Cũng chiếc xe đó, khi đoàn thiện nguyện nào cần, ông lại xung phong chở nước sạch, quà cáp theo đến Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh hay Ðồng Nai. Nhiều người thấy ông nhiệt tình, giúi ít tiền xăng, ông về góp vào mua ruột, vỏ xe tặng cho người nghèo. Người tốt vậy mà gặp nạn hoài. Cách đây một tháng, chiếc ba gác nghĩa tình đó bị trộm lấy mất. Mạnh thường quân biết được lại chung tay góp tiền tặng ông chiếc ba gác mới. Có xe mới, ông chạy nhiều đợt hơn, giúp thêm nhiều người…

Bài và ảnh: Gia Mỹ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ong-minh-co-don-cua-nguoi-ngheo-631041/