Ông Mười tình nghĩa
Anh em thường gọi ông Bùi Quang Thạnh bằng biệt danh “Ông Mười chánh sách”. Đó là thời ông làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp. Biệt danh đó phản ánh đúng tình cảm, tấm lòng và việc làm thường xuyên của ông, kể cả kéo dài cho đến những năm sau khi ông đã về hưu. Khó có thể kể ra hết những việc làm với trách nhiệm tự giác của ông đối với cán bộ đương chức, cán bộ, chiến sĩ đã nghỉ hưu, các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, gia đình từng cưu mang cơ quan ông thời chống Pháp, chống Mỹ.
Xin nêu ra một vài chuyện:
Gia đình anh Út Công ở rạch Cái Tắc, ấp Đông Bình (lúc đó thuộc xã Tân Thuận Đông, nay là Hòa An). Thời chống Mỹ, Út Công làm cứu thương cho một đơn vị. Sau giải phóng, hoàn cảnh gia đình Út Công rất nghèo, căn nhà cũ ọp ẹp nhưng anh không có tiền cất lại. Ông Mười đến thăm, xúc động lắm trước tình cảm nầy. Ông Mười đến gặp Đảng ủy xã rồi gặp Thị xã ủy Cao Lãnh bàn cách giúp Út Công có được ngôi nhà tình nghĩa. Vào ở ngôi nhà mới, Út Công vui mừng và cảm động lắm, cám ơn ông Mười và lãnh đạo địa phương.
Gần nhà Út Công là nhà anh Ba Chuồi cũng là cơ sở cách mạng, nơi chi ủy xã thường bí mật hội họp. Sau giải phóng, dịp lễ, Tết, năm nào, ông Mười cũng đến thăm và tặng quà. Thấy gia đình nghèo, nhà cửa xiêu vẹo, ông Mười vận động để rồi gia đình Ba Chuồi có được ngôi nhà tình nghĩa khang trang hơn.
Thời kháng chiến chống Mỹ, gia đình Mười Đông và Sáu Lung ở ấp Đông Hòa, xã Tân Thuận Đông là cơ sở nuôi chứa cán bộ bí mật hoạt động. Một đêm, bọn địch đến bao nhà Sáu Lung tìm bắt ông Mười nhưng ông đã né qua nhà Mười Đông nên thoát. Sau ngày quê hương giải phóng, ông Mười tìm hiểu, biết gia đình Mười Đông nghèo muốn có ít công đất để làm ruộng. Ông Mười viết giấy giới thiệu Mười Đông đến gặp Tư Nghinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông và anh được cấp đất ruộng ở xã Phú Cường - nhờ đó, đời sống gia đình Mười Đông dần khá hơn. Ông Mười còn giúp Mười Đông có ngôi nhà tình nghĩa và anh sống thoải mái đến cuối đời.
Anh Hai Tài nhà ở rạch Cái Tắc, ấp Đông Bình là cơ sở nuôi chứa cán bộ địa phương bí mật hoạt động. Lúc Hai Tài qua đời, ông Mười tới lo việc tẩn liệm Hai Tài chu đáo. Thấy người con gái Hai Tài nghèo, ông Mười vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ cất lên ngôi nhà tình nghĩa.
Nhớ công ơn các gia đình đã cưu mang mình thời chiến tranh, Tết năm nào, ông Mười cũng về thăm gia đình Hai Lùn ở Kinh Thầy Lâm, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Nghe tin Hai Lùn chết, ông Mười đến viếng và giúp cất cho cô Đẹp - con gái Hai Lùn, ngôi nhà tình nghĩa để có nơi thờ phượng, nhang khói cho Hai Lùn.
Một trường hợp khác, đó là em Nguyễn Công Thành, con đồng chí Vinh (Cọp Rượt) ở Nhị Mỹ là Liệt sĩ. Em đi học Đại học Y về xin việc không nơi nào nhận. Ông Mười gặp em hỏi em có muốn học lên chuyên khoa không? Thành rất muốn, vậy rồi ông Mười vận động các doanh nghiệp giúp học phí cho Thành được đi học chuyên khoa ở Đại học Y Cần Thơ. Ra trường, ông Mười lại giới thiệu với cô Minh Trang - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, nhận Thành vào làm việc. Tuổi trẻ ham học hỏi, nghiên cứu, Thành đã thành công trong việc dùng vỏ tỏi vá màng nhĩ những người bị thủng màng nhĩ. Công trình sáng tạo của Thành được công nhận, biểu dương khen thưởng. Nhớ ơn ông Mười, năm nào, Thành cũng đến thăm ông Mười, Tình nghĩa đậm đà, lâu bền. Có lần, ông Mười nghe nói nhà tình nghĩa của gia đình Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Tre mấy tháng nay không rõ lý do gì mà dừng lại không làm tiếp. Vậy là ông Mười đi xuồng máy đến tận nơi xem xét, tìm nguyên nhân rồi đến thẳng gặp Huyện ủy Tháp Mười trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc. Và sau đó, ngôi nhà được tiếp tục tiến hành trơn tru. Bà con nói nhờ có ông Mười tới, ngôi nhà mới làm xong.
Từ sau ngày giải phóng, hằng năm, từ hăm mấy tháng Chạp, ông đều đi thăm, tặng quà Tết những gia đình đã từng nuôi chứa ông và cơ quan Tỉnh ủy ở kinh Nhứt, Nguyễn Văn Tiếp A, Cai Lân, kinh Ranh... Ông chịu khó đi đến từng nhà thăm viếng. Xúc động lắm cảnh những gia đình nầy được ông đến thăm, nhắc nhớ chuyện xưa, hỏi han chuyện nầy, chuyện nọ... Qua đó, ông hiểu rõ hơn về tình cảnh, điều kiện sống hiện nay của từng gia đình về nhà ở, về việc làm ăn, về học hành của con cái, về các chánh sách của Nhà nước đã ban hành mà gia đình chưa được hưởng... ông vừa góp ý cụ thể, vừa trở về chỉ đạo các ngành, các cơ quan liên quan giải quyết.
Hằng mấy chục năm đó, năm nào, ông cũng về thăm lại bà con. Lúc chưa có đường bộ, ông phải đi bằng đường sông. Cực nhất là lúc nước ròng bỏ bãi, cầu bến ở nông thôn đơn sơ trơn nhớt rất khó đi, ông vẫn chịu khó leo lên, leo xuống. Đến khi có đường bộ ông lại đi xe. Nhưng khi tuổi đã ngoài tám mươi, chân đi lụm cụm, rất khó khăn, phải chống gậy, vậy mà ông vẫn cố gắng đi đến từng nhà thăm viếng, hỏi han đời sống bà con. Ông buồn khi những người cao tuổi theo năm tháng lần lượt qua đời. Ông vui khi thấy nhà nầy, nhà kia khiến ông đi lạc, vì nhà cũ đã thay bằng ngôi nhà tường mới, đẹp đẽ, khang trang. Cả chủ lẫn khách đều cười tươi, vui vẻ. Từng phần quà, giá trị sử dụng không đáng là bao nhưng trong đó chứa đựng nghĩa tình của ông đối với những gia đình chí cốt. Mỗi năm, ông cho vài ba anh trẻ trong cơ quan Tỉnh ủy hiện nay cùng đi theo ông để biết nhà, biết người, phòng khi sức khỏe không cho phép ông đi được nữa thì vẫn có người thay thế.
Quê ông là xã Tân Thuận Đông nằm gọn trên các cù lao giữa sông Tiền, qua lại phải đi đò. Lúc còn đường đất hay đã làm đường đan, năm nào, ông cũng trở về thăm viếng, tặng quà cho những gia đình từng cưu mang, chứa chấp ông hoạt động thời chống Pháp và chống Mỹ. Vài năm gần đây, với nhiệt tình và tự thấy có trách nhiệm đối với quê hương, ông tự nguyện sưu tầm, biên soạn quyển sách Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Tân Thuận Đông, dù tuổi cao đi lại gặp những nhân chứng rất khó khăn. Cố gắng của ông, đến giữa năm 2016, quyển Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Tân Thuận Đông đã hoàn thành, in và phát hành. Tất cả chi phí đi lại ông tự chịu và cả tiền nhuận bút tác phẩm ông cũng hiến lại cho Quỹ khuyến học xã, coi đó chỉ là việc làm đền ơn đáp nghĩa với quê hương.
Một vấn đề khá gai gốc là ngành Binh vận giải tán sớm quá, chỉ sau ngày miền Nam giải phóng, không tổng kết, không lưu lại hồ sơ, tài liệu và tất cả ảnh chị em công tác Binh vận phải chuyển sang ngành khác, tứ tán, lãnh đạo không ai quan tâm tới việc làm chánh sách khen thưởng... cho đối tượng nầy. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn hăm hở cùng đồng chí Phạm Văn Ty mày mò cả năm trời lập lại danh sách anh chị em hoạt động Binh vận các cấp trong tỉnh, những cơ sở cài cắm trong lòng địch ai còn ai mất, nơi ở hiện nay... Qua sưu tầm tư liệu rất khó, ông bắt tay vào biên soạn quyển sách Lịch sử ngành Binh vận tỉnh nhà thời chống Mỹ. Dịp ra mắt quyển sách cũng là dịp anh chị em Binh vận cũ còn sống được mời họp mặt, gặp gỡ nhau, nhận quà và cái quý khác là nhận phần khen thưởng theo những chánh sách đối với người công tác Binh vận mà bấy lâu bị lãng quên.
Trong quá trình công tác, đi đến cơ sở, ông chứng kiến các cháu ở những gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học nửa đường, những thầy cô giáo từ vùng ngoài vào vùng sâu công tác, không nhà công vụ, trường lớp ọp ẹp, thiếu thốn đủ thứ. Ông rất thông cảm và ray rứt trong lòng phải giải quyết sao đây, trong điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh nhà chưa cho phép làm như ý muốn.
Tấm lòng đó của ông bộc lộ rõ ràng hơn khi ông về hưu năm 1996, ở tuổi 66. Theo hướng dẫn của trên, ông đứng ra thành lập Hội Khuyến học tỉnh. Từ 2 bàn tay trắng, ông vận động các đồng chí đã nghỉ hưu đồng tình với ông hình thành bộ máy, trao đổi lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kinh phí ban đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo dành nơi làm địa điểm. Từng bước nhưng khẩn trương, Hội Khuyến học tỉnh, rồi lần lượt đến các Hội Khuyến học huyện, thị ra đời, đó là những cán bộ Đảng về hưu có tâm huyết với khuyến học, cùng vui vẻ hoạt động khuyến học mà không có thù lao. Ông đi vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và cả bà con Việt Kiều ở nước ngoài ủng hộ cho Quỹ khuyến học, qua đó cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, giáo viên có đời sống khó khăn. Dù tuổi cao, đi lại khó khăn, ông vẫn đi đến từng nơi vận động hoạt động khuyến học và xây dựng Quỹ khuyến học. Nhiều năm liền, ông thuyết phục người ở tổ chức Hội Việt kiều ở Pa-ri (Pháp) giúp xây dựng mới 3 trường mẫu giáo ở các xã: Thanh Mỹ, Tân Nghĩa và Định An.
Một lần, ông đến thăm trường xã Hưng Thạnh, vừa quan sát vừa hỏi thăm, ông hỏi các thầy cô giáo ở đây đang cần gì là bức thiết nhứt? Các thầy cô nói ước mong có đèn bàn để ban đêm soạn giáo án. Về, ông đi vận động và mấy ngày sau gửi đến trường những cái đèn bàn.
Đến thăm trường xã Hòa Bình, cũng câu hỏi như trên, các thầy cô trả lời ông là ước có được cái máy bơm nước để dùng. Vì chỗ ở xuống tới kinh phải qua bờ đê cao, xa cả trăm thước. Mà các cô không quen cảnh tắm dưới kinh. Ông lại đi vận động và chỉ mấy ngày sau, nhà trường có được máy bơm nước mới với hơn 100 thước ống dẫn nước.
Lần đến thăm trường Phú Thành B, thầy cô mong muốn có được chiếc tắc ráng để đi lại trong mùa nước. Vì ở đây nước ngập rất sâu, không có phương tiện đi lại đành phải ngồi một chỗ chịu trận. Ông về xin công ty Imexpharm tặng 1 máy chạy xăng, hãng Composite Thành Hưng tặng 1 vỏ lãi. Thầy cô đến nhận lái máy chạy về mà lòng rất vui mừng.
Hằng năm, dịp tổng kết năm học, khai trương năm học mới, ông đều có lịch đi nhiều nơi trao quà cho học sinh nghèo học giỏi, cấp học bổng... Chuyện cảm động là ông đến Châu Thành tặng quà cho 2 cô giáo đang gặp khó khăn. Sự vui mừng của 2 cô là niềm vui của ông.
Về sau, tuổi càng cao, sức càng yếu, ông lại “về hưu” lần thứ hai, không còn lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, nhưng các anh chị thiết tha giữ ông lại trong Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh để ông đóng góp ý kiến, kinh nghiệm và ông được suy tôn Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học tỉnh.
Không thể kể hết công lao của ông đối với công tác khuyến học tỉnh nhà. Hội Khuyến học Đồng Tháp ngày nay hoàn chỉnh tổ chức từ tỉnh đến xã, ấp, thành ý thức và hành động của mỗi người, mỗi đơn vị... đặc biệt là việc thành lập Trung tâm học tập cộng đồng ở mỗi xã, phường đều có dấu ấn của ông. Một lần nữa, anh em gọi ông là “ông Mười khuyến học”.
Cuộc đời ông suốt hơn 60 năm hoạt động cho Đảng, cho dân trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực, nhiều cương vị công tác đã để lại trong lòng người dân Đồng Tháp một hình ảnh rạng ngời của người Cộng sản, người cán bộ nghỉ hưu mà không hưu, cống hiến cả nhiệt huyết, thành tâm của mình, một người ông, người bác thân thương. Suốt cuộc đời ông xứng đáng được người đời ca tụng là ông Mười tình nghĩa.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ong-muoi-tinh-nghia-125327.aspx