Ông Netanyahu đang muốn gì ở Gaza?
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa tuyên bố rằng Israel đang 'chiếm giữ lãnh thổ' và có ý định 'chia cắt' Dải Gaza bằng cách xây dựng một hành lang an ninh mới, trong khi quân đội Israel đang mở rộng các cuộc tấn công trên không và trên bộ vào vùng đất này.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Netanyahu nói trong một tuyên bố video ngày 2/4: “Tối nay, chúng tôi đã chuyển hướng ở Dải Gaza. Quân đội Israel đang chiếm giữ lãnh thổ, tấn công những kẻ khủng bố và phá hủy cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng đang làm một việc khác - chiếm giữ tuyến đường Morag. Đây sẽ là tuyến đường Philadelphi thứ hai, một tuyến đường Philadelphi khác. Vì hiện tại chúng tôi đang chia cắt dải đất này, chúng tôi đang từng bước gia tăng áp lực, để các con tin sẽ được trao cho chúng tôi”. Tuyến đường Morag mà ông Netanyahu đề cập chính là tuyến hành lang do Israel kiểm soát dọc theo biên giới Ai Cập-Gaza.

Theo Liên Hợp quốc, đã có trên 95% người Palestine ở Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.
Theo nhóm nhân quyền Gisha của Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã chiếm giữ các vùng đệm xung quanh rìa Dải Gaza với tổng diện tích 62 km2, tương đương 17% diện tích dải đất này, kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 10/2023. Hành lang Netzarim, được đặt theo tên một khu định cư không còn tồn tại của Israel, hiện đang chia cắt Gaza City với phía Nam của dải Gaza. Còn Morag là một khu định cư của người Do Thái từng nằm giữa Rafah và Khan Younis, vì vậy việc sử dụng tên này cho thấy hành lang mới được thiết kế để phân tách hai thành phố phía Nam Gaza.
Trước đó, cũng trong ngày 2/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết quân đội Israel sẽ "chiếm giữ những khu vực rộng lớn" của Gaza, đòi hỏi phải sơ tán dân thường trên diện rộng.
Cả ông Netanyahu và ông Katz đều không nêu rõ Israel dự định chiếm bao nhiêu đất của người Palestine trong cuộc tấn công mới, nhưng động thái này có khả năng làm phức tạp các cuộc đàm phán ngừng bắn và làm dấy lên lo ngại rằng Israel có ý định kiểm soát vĩnh viễn dải đất này khi chiến tranh kết thúc.
Ý định mới được tuyên bố của Israel về việc thiết lập một hành lang quân sự khác diễn ra sau một đêm không kích dữ dội vào Khan Younis và Rafah ở phía Nam Gaza. Các quan chức bệnh viện cho biết không kích đã làm chết ít nhất 21 người. Theo cơ quan phòng vệ dân sự, một cuộc không kích ngày 2/4 vào một phòng khám sức khỏe ở Jabaliya, nơi có những người phải di dời đã làm chết ít nhất 19 người, trong đó có 9 trẻ em. Ngày 3/4, vụ đánh bom của Israel vào một trường học được chuyển thành nơi trú ẩn ở Gaza City đã giết chết ít nhất 27 người và hàng nghìn người ở khu vực Rafah đã phải chạy khỏi khu vực này.
Truyền thông Palestine cũng đưa tin về các vụ đánh bom, pháo kích dọc biên giới Ai Cập và hoạt động di chuyển quân đội Israel ở khu vực Rafah. IDF cho biết họ đã triển khai thêm một sư đoàn đến phía Nam Gaza vào sáng sớm 2/4.
Tuần trước, quân đội Israel đã ban hành lệnh sơ tán toàn diện, yêu cầu người dân ở Rafah và một dải đất trải dài về phía Bắc hướng tới Khan Younis di chuyển đến al-Mawasi, một khu vực trên bờ biển mà Israel đã chỉ định là khu vực nhân đạo nhưng đã nhiều lần ném bom.
Israel đã tiếp tục ném bom dữ dội khắp Gaza vào ngày 18/3, sau đó là việc tái triển khai quân đội trên bộ, đột ngột chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng và trao đổi con tin Israel do các nhóm chiến binh Palestine bắt giữ. Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, các bên được cho là sẽ đàm phán thực hiện các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận trong giai đoạn 42 ngày đầu tiên, nhưng Chính phủ Israel đã nhiều lần hoãn các cuộc đàm phán.
Theo ước tính mới nhất của Liên hợp quốc từ ngày 23/3 cho thấy khoảng 140.000 người đã phải di dời kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Không một người dân nào ở Gaza không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Hơn 95% đã phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người trong số họ đã phải rời bỏ nhà cửa nhiều lần. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel kể từ khi lệnh ngừng bắn chấm dứt. Israel cũng đã cắt đứt viện trợ nhân đạo, lương thực và nhiên liệu cho Dải Gaza trong nỗ lực gây sức ép với Hamas. Cuộc phong tỏa kéo dài 1 tháng này hiện là cuộc phong tỏa dài nhất trong cuộc chiến cho đến nay.
Những nỗ lực do các nhà trung gian Qatar và Ai Cập chủ trì nhằm nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh vẫn chưa đạt được đột phá. Việc tiếp tục giao tranh ở Gaza cũng đã thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Israel chống lại chính phủ từ những người ủng hộ các con tin còn lại và người thân của họ.
Diễn đàn Con tin và Gia đình mất tích (HMFF), đại diện cho hầu hết người thân của những người bị bắt, cho biết họ "kinh hoàng khi thức dậy sáng nay và thấy Bộ trưởng Quốc phòng thông báo về việc mở rộng các hoạt động quân sự ở Gaza". Nhóm này cho biết: "Ưu tiên cao nhất của chúng tôi phải là một thỏa thuận ngay lập tức để đưa tất cả các con tin trở về nhà - những người còn sống để phục hồi chức năng và những người bị giết để được chôn cất tử tế - và chấm dứt cuộc chiến này”.
Thủ tướng Netanyahu chưa bao giờ muốn tuyên bố khi nào thì chiến tranh ở Gaza kết thúc, và Gaza sẽ trông như thế nào, mà chỉ muốn nói rằng nơi này không nên do Hamas hoặc chính quyền Palestine quản lý. Ông hiện đang bị truy tố vì cáo buộc tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), trong khi Chính phủ Israel bị cáo buộc tội diệt chủng đối với người dân Palestine ở Gaza. Ngày 3/4, ông Netanyahu đã có chuyến thăm Hungary trong sự tiếp đón nồng nhiệt của Thủ tướng Viktor Orban, bất chấp lệnh bắt giữ quốc tế của ICC.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/ong-netanyahu-dang-muon-gi-o-gaza--i764336/