Ong nghệ Mỹ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Quần thể ong nghệ Mỹ (Bombus penylvanicus) đã giảm khoảng 89% trong 20 năm qua và loài côn trùng này có thể sắp bị liệt vào danh sách 'các loài có nguy cơ tuyệt chủng', theo Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ.
Cơ quan này sẽ tiến hành một cuộc đánh giá kéo dài một năm, sau đó loài ong nghệ Mỹ có thể được bảo vệ theo Đạo luật về các loài nguy cấp (ESA) – Khuôn khổ pháp lý để bảo vệ các loài nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Thông báo này được đưa ra như một câu trả lời đối với bản kiến nghị vào tháng 8/2021 nhằm ủng hộ danh sách được đưa ra bởi Trung tâm Đa dạng Sinh học (CBD) và một nhóm sinh viên Trường Luật Albany có tên là Hiệp hội Sinh viên Luật Bombus Pollinator.
Theo CBD, ong nghệ Mỹ - loài thụ phấn quan trọng cho hoa dại và cây trồng trên khắp Bắc Mỹ - đã hoàn toàn biến mất khỏi 8 bang của Mỹ, bao gồm Maine, New Hampshire, Rhode Island, Vermont, Idaho, North Dakota, Oregon và Wyoming. Ở New York, quần thể loài đã bị suy giảm xuống còn 1%. Tại 19 bang khác trên khắp Đông Nam và Trung Tây nước Mỹ, quần thể đã bị suy giảm hơn một nửa.
“Ong nghệ Mỹ từng là loài ong nghệ phổ biến nhất ở Bắc Mỹ nhưng nếu không có hành động ngay lập tức để bảo vệ chúng theo ESA, quần thể loài sẽ tiếp tục suy giảm từ mức đáng báo động đến mức tuyệt chủng”, các tác giả kiến nghị viết.
Theo CBD, sự suy giảm về số lượng ong nghệ Mỹ là do các yếu tố bao gồm môi trường sống bị phá hủy, tiếp xúc với dịch bệnh và thuốc trừ sâu, biến đổi khí hậu, mất đa dạng di truyền và cạnh tranh với các loài ong không bản địa.
Trên thực tế, những bang có số lượng ong nghệ Mỹ sụt giảm nhiều nhất “cũng là những bang có sự gia tăng về số lượng lớn nhất trong việc sử dụng thuốc trừ sâu, bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm neonicotinoid”.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc trừ sâu hóa học, chẳng hạn như neonicotinoids, thường được phun trên đất nông nghiệp có thể phá vỡ các hệ thống trú ẩn tự nhiên của nhiều loài ong khác nhau, đồng thời làm cho chúng dễ bị dính ký sinh trùng hơn, chẳng hạn như loài ve varroa (Varroa destructor). Đặc biệt, thuốc trừ sâu còn ảnh hưởng nghiêm trọng vào “vũ điệu lắc lư” của chúng - phương pháp lắc mông trong giao tiếp của loài ong.
Một nghiên cứu sâu hơn được tiến hành trên ong nghệ đuôi trâu (Bombus terrestris) cho thấy rằng, neonicotinoids phá vỡ mô hình ngủ tự nhiên của chúng, làm giảm cơ hội kiếm ăn ban ngày của loài ong và có thể gây hạn chế khả năng phát triển của quần thể ong.
Nếu ong nghệ Mỹ được đặt dưới sự bảo vệ của ESA, ai đó làm hại chúng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, bao gồm tiền phạt tối đa 13.000 USD mỗi khi một con vật trong danh sách bảo vệ bị giết.
Keith Hirokawa, một Giáo sư luật môi trường tại Trường Luật Albany, nói với Bloomberg: “Những tác động như ESA có thể thực sự quan trọng. Một giải pháp sâu rộng sẽ là một sự thay đổi cơ bản trong cách nước Mỹ xây dựng các hoạt động nông nghiệp của mình, để bảo vệ môi trường sống của loài ong khỏi bị tổn hại thêm”.
Nếu ong nghệ Mỹ được thêm vào danh sách, nó sẽ trở thành loài thứ ba trong họ Apidae ở lục địa Mỹ được đăng ký chính thức là loài có nguy cơ tuyệt chủng - cùng với loài ong nghệ đốm gỉ (Bombus affinis) và loài được cho là đã tuyệt chủng - ong nghệ Franklin (Bombus Franklini), lần được nhìn thấy cuối cùng là ở Oregan vào năm 2006.