Ông Ngọ Duy Hiểu tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028
Ngày 1-10, Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 tiếp tục với phiên thứ 2 và phiên thứ 3. Đại hội nhận vui mừng được nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại phiên họp thứ 2, diễn ra sáng 1-10, đại hội đã bầu 35 ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Tại phiên thứ 3 diễn ra chiều cùng ngày, đại hội đã báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2018-2023, tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028
Đại hội cũng bầu 3 Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Đông; Trần Thị Kim Anh; Thái Hoài Nam.
Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI quyết định những vấn đề quan trọng của hoạt động công đoàn và phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động 5 năm tới.
Đại hội cũng đề ra 12 chỉ tiêu phấn đấu trong từng năm và cả nhiệm kỳ gồm: Phấn đấu phát triển thêm được 1.000 đoàn viên mới; Ít nhất 90% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có nhu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án sẽ có đại diện công đoàn tham gia hoặc được công đoàn hỗ trợ; Ít nhất 70% đoàn viên và người lao động được tham gia học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 90% nữ cán bộ công chức, viên chức, lao động đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Về chỉ tiêu thực hiện hàng năm, Công đoàn Viên chức Việt Nam phấn đấu 100% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến cán bộ công chức viên chức lao động và công đoàn; chấp hành tốt nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị.
100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực Nhà nước, ít nhất 100% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở trở lên và 90% cán bộ công đoàn kiêm nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, đại hội đề ra 3 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá nhiệm kỳ 2018-2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đoàn kết, phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành và hoàn thành vượt tuyệt đại đa số chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam đề ra.
3 dấu ấn quan trọng có thể kể đến: Công đoàn Viên chức Việt Nam đã triển khai các phong trào như phong trào "Tham mưu giỏi - Phục vụ tốt", Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo" đi vào chiều sâu, thực sự trở thành động lực thôi thúc cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho cơ quan, đơn vị, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.