Ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT SaigonBank
Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) cho biết ông Nguyễn Cao Trí 'đương nhiên mất tư cách' thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng từ ngày 19/1.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vừa công bố thông tin bất thường về việc ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên Hội đồng quản trị SaigonBank nhiệm kỳ 2019-2024 kể từ ngày 19/1.
Văn bản cho biết, ông Nguyễn Cao Trí "đương nhiên mất tư cách", không còn là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương kể từ ngày 19/1/2023 theo quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).
Văn bản được Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Lãm ký.
Điều 35 quy định các trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT, gồm: mất năng lực hành vi dân sự, chết; vi phạm quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; không còn là người đại diện phần vốn góp; khi tổ chức tín dụng bị thu hồi giấy phép...
Ông Nguyễn Cao Trí được biết đến là Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang.
Đầu năm 2022, Đại học Văn Lang phát hành thành công 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng.
Ông Trí tham gia vào HĐQT SaigonBank 10/2021 sau khi mua 579.199 cổ phiếu SGB (tương đương 0,19% vốn điều lệ) từ tháng 6/2021. Đại gia Sài Gòn sinh năm 1970 và nổi danh trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục, tài chính, dịch vụ nhà hàng…
Ban đầu, ông Trí có mặt trong ban lãnh đạo của một số doanh nghiệp có tiếng như: Bến Thành Group, Bến Thành Tourist, Địa ốc Bến Thành…
Địa ốc Bến Thành sau đó đổi tên thành Capella Holdings. Ông Trí khi đó bắt đầu nổi danh với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Capella Holdings. Đây là doanh nghiệp đầu tư cao ốc The One Saigon.
Capella Holdings cũng thông qua CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) sở hữu nhiều bất động sản tại TP.HCM.
SaigonBank là ngân hàng có quy mô tài sản thuộc top thấp nhất trong hệ thống ngân hàng và trở nên hấp dẫn khi mà các đại gia chỉ cần bỏ ra một lượng tiền không nhiều để có thể nắm quyền kiểm soát.
Cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) gần đây thu hút sự chú ý của giới đầu tư, trong bối cảnh việc xin cấp phép thành lập ngân hàng mới gần như là điều bất khả thi.
Hiện, Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ hơn 18% cổ phần SGB; Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,6%; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm hơn 16,3%; ty TNHH MTV dầu khí TPHCM (Saigon Petro) sở hữu hơn 14%...
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Saigonbank đạt lợi nhuận 236 tỷ đồng, tăng trưởng trên 21%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,07%.
Cổ phiếu Saigonbank lên UPCoM ngày 15/10/2020 với giá đóng cửa 15.500 đồng/cp. Cho đến 19/1/2023, SGB có giá 12.800 đồng/cp.
Ông Vũ Quang Lãm làm Chủ tịch HĐQT Saigonbank từ 10/2019 sau ĐHCĐ bất thường. Hồi tháng 6/2018, ông Vũ Quang Lãm đã được HĐQT Saigonbank quyết định cho thôi giữ chức danh Tổng Giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT sau khi ông Phạm Văn Thông – nguyên Chủ tịch HĐQT thôi giữ nhiệm vụ do không còn là người đại diện vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP.HCM tại ngân hàng.
Ông Lãm hiện là đại diện phần vốn góp của các cổ đông là Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận.
ĐHĐCĐ của Saigonbank hồi tháng 10/2019 cũng đã thông qua danh sách 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, gồm: ông Vũ Quang Lãm, bà Trần Thị Phương Khanh; ông Trần Thanh Giang; ông Trần Quốc Thanh; ông Nguyễn Cao Trí và một thành viên độc lập là bà Phạm Thị Kim Lệ.