Ông Nguyễn Đắc Vinh: Bí thư cấp ủy không phải người địa phương là việc phải làm

Ở thời điểm hiện tại, Bí thư cấp ủy không phải người địa phương là việc rất nên làm và phải làm.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương này.

Theo đại biểu, vấn đề bây giờ là giải quyết hài hòa sự hiểu biết về địa phương và tránh những vấn đề có thể phát sinh, khó khăn khi bí thư không phải người địa phương.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với phóng viên bên hành lang.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với phóng viên bên hành lang.

“Bí thư cấp ủy không phải người địa phương sẽ đỡ cho người ta rất nhiều gánh nặng, đáng ra người ta phải đối mặt. Chuyện đó tôi ủng hộ”, vị Bí thư tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ quan điểm.

Theo ông, về mặt nguyên tắc, ở địa bàn cũng rất cần những người hiểu sâu sắc địa phương, tầm nhìn chiến lược, có thời gian để theo đuổi công việc đó.

“Nhưng ở thời điểm hiện tại, Bí thư cấp ủy không phải người địa phương được tất cả trong trung ương đều đồng thuận. Đây là việc rất nên làm, phải làm trong giai đoạn này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Những khó khăn mọi người đều biết cả nhưng sẽ có cách giải quyết hết.

Về việc đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, Nghị quyết có đề cập đến việc bầu cử phải có số dư, ông Vinh cho hay, đây mới là thí điểm ở một số nơi. Đó là mở rộng dân chủ.

“Việc quy hoạch đã có rồi. Quy hoạch một vị trí phải có 3 người. Về mặt nguyên tắc, khi quy hoạch đã có số dư, chuẩn bị nhiều hơn một người để có thể đảm nhiệm công việc đó.

Cho nên, nơi nào đủ điều kiện sẽ đem ra lựa chọn công khai dân chủ.

Đó là chuyện bình thường và làm được sẽ rất tốt”, đại biểu khẳng định.

Về trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình, ông Vinh cho biết, quy định này trước kia đã có.

Người đứng đầu ngoài nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị, địa phương, anh còn có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo, giới thiệu cho được người thay thế mình.

Trước e ngại có thể xảy ra tiêu cực, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Bất cứ vấn đề gì cũng phải nhìn vào nhiều mặt. Việc gì cũng có mặt ưu và khuyết điểm.

Vấn đề là cơ quan quản lý phải dùng các quy định ra sao để hạn chế bớt khả năng tiêu cực.

Người đứng đầu chỉ được quyền giới thiệu, còn lựa chọn là do cấp ủy, thường vụ”, ông Vinh phân tích.

Theo ông, người đứng đầu giới thiệu nhân sự tốt đó vừa là trách nhiệm, vừa là uy tín của chính họ.

“Nếu giới thiệu người không chuẩn, sau này xảy ra sai phạm, đó sẽ là tiếng xấu để đời với chính người giới thiệu”, ông Vinh nói.

Về công tác cán bộ, Nghị quyết 26 cũng đưa ra giải pháp là mở rộng thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng.

Theo đại biểu Vinh, bản chất của việc này là đảm bảo 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất công khai, minh bạch trong tuyển chọn người được bổ nhiệm.

Thứ hai là tính cạnh tranh.

Hình thức thi tuyển là để cho các ứng viên có cơ hội để họ thể hiện bản thân. Người có quyền quyết định được nghe, hiểu biết sâu sắc hơn về nhân sự đó.

Ngoài chuyện nghiên cứu lý lịch, quá trình công tác, tìm hiểu về nhân sự, người ra quyết định được tìm hiểu sâu hơn kiến thức của ứng viên về vị trí bổ nhiệm.

“Các việc làm này là để mở rộng dân chủ, làm ra quy trình khách quan hơn, minh bạch hơn giàu tính cạnh tranh hơn.

Chọn được người chính xác, tốt hơn thì ta làm”, ông Vinh khẳng định.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/ong-nguyen-dac-vinh-bi-thu-cap-uy-khong-phai-nguoi-dia-phuong-la-viec-phai-lam-post186478.gd