Ông Nguyễn Đăng Quang rời top tỷ phú USD của Forbes
Tính đến sáng 16/1, Việt Nam chỉ còn 5 đại diện trong danh sách tỷ phú Forbes.
Cập nhật mới nhất từ Forbes, tài sản của các tỷ phú Việt đều suy giảm trong 2 tuần đầu năm.
Tính đến sáng 16/1, Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách tỷ phú Forbes, gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cùng gia đình, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.
So với hồi đầu năm, tài sản của các tỷ phú Việt ghi nhận nhiều biến động.
Người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng hiện có 4,5 tỷ USD, đứng thứ 651 thế giới theo xếp hạng của Forbes. Trong khi đó, trên bảng xếp hạng của Bloomberg Billionaire Index, tài sản của ông Vượng đạt 8,49 tỷ USD, xếp thứ 277 trên thế giới.
Ông Vượng được Bloomberg xếp hạng trở lại trong top 500 tỷ phú USD theo tính toán của đơn vị này từ ngày 3/1, sau khi Bloomberg đã tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.
Tài sản của Chủ tịch VietJet - Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm 100 triệu USD xuống còn 2,3 tỷ USD.
Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long ghi nhận mức giảm tương tự, xuống còn 2,2 tỷ USD.
Mức giảm 100 triệu USD cũng xảy ra với khối tài sản của gia đình Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (Thaco) và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Hiện, cả 2 vị tỷ phú đều sở hữu khối tài sản 1,4 tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng của Forbes mới cập nhật không còn ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan - trong bối cảnh diễn biến cổ phiếu MSN không mấy tích cực những ngày đầu năm.
Từ ngày 4 - 9/1, MSN giảm giá liên tục 4 phiên. Hiện, MSN ở mức 66.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên vào danh sách tỷ phú thế giới vào năm 2019 với khối tài sản 1,3 tỷ USD và đã có mặt 3 lần trong các đợt cập nhật thường niên của tạp chí này.
Khối tài sản ròng của ông từng được Forbes ghi nhận mức cao nhất ở mốc 1,9 tỷ USD trong năm 2022.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Viện Hàn lâm khoa học Belarus. Ông bắt đầu hành trình kinh doanh từ bán mì gói cho người Việt ở nước ngoài.
Năm 2002, ông Quang về nước và phát triển các sản phẩm như nước tương Chinsu, tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mì Omachi, xúc xích Ponnie, cà phê Vinacafe...
Masan Group hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng thực phẩm và đồ uống, cũng là một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.