Ông Nguyễn Đức Chung lại giải trình kháng cáo 60 trang trong vụ án thứ 3
Trong vụ án liên quan đến gói thầu số hóa, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục có 'bản giải trình đơn kháng cáo' viết tay, dài gần 60 trang.
Theo dự kiến, ngày 11-7 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Đây là vụ án thứ ba ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội) hầu tòa. Trước đó, ông đã bị tuyên hai bản án có hiệu lực pháp luật, gồm năm năm tù vụ chiếm đoạt tài liệu mật và năm năm tù vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Tháng 12-2021, ông Chung bị TAND TP Hà Nội tuyên ba năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sáu bị cáo còn lại cùng bị tuyên phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tứ (cựu giám đốc Sở KH&ĐT) bị phạt 30 tháng tù, Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT) 30 tháng tù, Võ Việt Hùng (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) bốn năm tù…
Sau sơ thẩm, một số bị cáo có đơn kháng cáo, bao gồm ông Nguyễn Đức Chung.
Đáng chú ý, trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, cựu chủ tịch Hà Nội tiếp tục có “bản giải trình đơn kháng cáo” viết tay, dài gần 60 trang (Vụ chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung cũng có bản giải trình viết tay dài hơn 100 trang). Bản giải trình đã được gửi tới TAND Cấp cao tại Hà Nội để xem xét, giải quyết.
Theo bản giải trình, ông Chung cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã “tuyên án oan” đối với mình.
Cựu chủ tịch dẫn giải, ngay từ cuối năm 2015, ông đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, sở ngành dừng các dự án về công nghệ thông tin để rà soát, xây dựng hệ thống dùng chung cho toàn TP. Mục đích nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tiền từ ngân sách TP, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát.
Đến tháng 2-2016, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở KH&ĐT, về việc bổ sung hai nội dung vào kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu gói thầu số hóa. Thứ nhất là phải tích hợp toàn bộ kết quả số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Thứ hai là toàn bộ dữ liệu này phải được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu chung của TP.
Tuy nhiên, đến thời điểm chiều ngày 15-5-2016, khi ông Chung gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ để kiểm tra thì được biết Sở KH&ĐT vẫn chưa bổ sung nội dung chỉ đạo nêu trên vào hồ sơ mời thầu.
“Đây chính là nguyên nhân quan trọng số 1 để tôi làm căn cứ yêu cầu Nguyễn Văn Tứ phải thực hiện đình chỉ mời thầu vào sáng ngày 16-5-2016”- bản giải trình nêu.
Vẫn theo ông Chung, từ năm 2015, Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng hệ thống dùng chung phục vụ cho chương trình mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin. Từ cơ sở này, TP hình thành nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung và phần mềm dùng chung.
Điển hình như phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; phần mềm quản lý giáo dục, phần mềm về bảy dịch vụ công cấp phường; cơ sở dữ liệu chung về dân cư; các phần mềm dùng chung trong lĩnh vực bảo hiểm…
Cựu chủ tịch Hà Nội còn nêu ra nhiều lợi ích của người dân khi Hà Nội triển khai tích hợp các dữ liệu doanh nghiệp và phần mềm dùng chung của TP. Trong đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT quản lý đã được đấu nối liên thông để chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị, giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của người dùng trên địa bàn TP rút xuống từ năm ngày còn một ngày, từ bảy lần đi lại còn một lần đi lại…
Đặc biệt, ông Chung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào các thành tựu của Hà Nội, thành tích của cá nhân ông khi còn công tác tại Công an TP và UBND TP để ra quyết định thấu tình đạt lý.
Cáo buộc “dừng thầu trái quy định”
Theo hồ sơ vụ án, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù vậy, quá trình thực hiện các gói thầu, từ đề xuất của Bùi Quang Huy, ông Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo cấp dưới tại Sở KH&ĐT dừng thầu trái quy định.
Tiếp đó, trong thời gian sửa đổi gói thầu, ông Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của TP, trong khi đến nay Hà Nội chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Các bị cáo tại Sở KH&ĐT Hà Nội tiếp nhận chỉ đạo này và thực hiện can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu bằng việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh Đông Kinh - Nhật Cường trúng thầu.
Về phía mình, các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập “quân xanh” để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.
Hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.
Vụ án này, Bùi Quang Huy là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm nên có vai trò chính. Tuy nhiên, do Huy đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.