Ông Nguyễn Đức Chung 'xin lấy tư cách của một con người' để phủ nhận ông có công ty gia đình

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phản bác các cáo buộc về công ty gia đình, đồng thời đề nghị trưng cầu giám định thiệt hại trong vụ án.

Ngày 20-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô.

Phiên tòa được mở do ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội) kháng cáo kêu oan và Nguyễn Trường Giang (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic) xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Chung tám năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 20-6. Ảnh: UYÊN TRANG

Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa ngày 20-6. Ảnh: UYÊN TRANG

Giám đốc “bù nhìn”?

Trả lời tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Trường Giang trình bày một số căn cứ để xin giảm nhẹ mức án, bao gồm việc chủ động yêu cầu gia đình ủng hộ Quỹ phòng chống dịch COVID-19.

Bị cáo thừa nhận việc không phải là cán bộ của UBND TP Hà Nội nhưng vẫn được tham gia đoàn công tác của TP để sang Đức làm việc, trao đổi với đối tác nước ngoài về chế phẩm xử lý ô nhiễm nước.

Giống như phiên sơ thẩm, Giang nói đứng tên giám đốc Công ty Arktic chỉ là hình thức chứ không góp cổ phần, cũng không tham gia việc chuyển nhượng vốn góp. Dù vậy, bị cáo biết ban đầu công ty có vốn góp của con trai ông Chung và sau này thay đổi qua nhiều người.

Theo lời Giang, bị cáo không có quan hệ họ hàng với ông Nguyễn Đức Chung, việc quen biết với gia đình cựu chủ tịch Hà Nội là do vào khoảng năm 2014-2015, Giang cung cấp một số mặt hàng cho siêu thị của vợ ông Chung.

Đến năm 2016, Giang bắt đầu tiếp xúc với ông Chung. Bị cáo được cựu chủ tịch nhờ đi cùng đoàn công tác của UBND TP Hà Nội để phiên dịch trong quá trình đi lại, dự triển lãm tại Đức. Tiếp đó, Giang được tham gia các cuộc họp trao đổi về công nghệ xử lý nước thải giữa TP với Công ty Watch Water.

Chủ tọa đặt câu hỏi: “Ai chỉ đạo Arktic ký thỏa thuận phân phối độc quyền sản phẩm của Watch Water, bao gồm Redoxy-3C?”. Đáp lời, Giang nói người này là ông Chung. “Bị cáo chỉ quản lý hoạt động công ty và làm theo chỉ đạo, các quyết định dù lớn nhỏ trong Công ty Arktic đều do người khác” - Giang giải thích.

Tiếp đó, bị cáo Giang khẳng định không được hưởng lợi gì từ công ty ngoài việc nhận lương hằng tháng. Việc đứng tên làm giám đốc là theo chỉ đạo của vợ ông Chung và “nghĩ rằng ông Chung có biết việc này”.

Ông Nguyễn Đức Chung phủ nhận Arktic là công ty gia đình

Trước phần khai báo của Nguyễn Trường Giang, ông Nguyễn Đức Chung “xin lấy tư cách của một con người” để khẳng định một số lời khai của bị cáo này không đúng, bao gồm việc chỉ đạo Giang mua bán chế phẩm và Arktic là công ty gia đình.

Ông Nguyễn Đức Chung nói không biết vợ mình góp 5 tỉ đồng vốn điều lệ khi thành lập Công ty Arktic vì gia đình có nguyên tắc, chồng không bao giờ hỏi vợ về công việc kinh doanh.

Theo ông Chung, trên cương vị người đứng đầu TP, ông đã đi tìm kiếm chế phẩm với mong muốn làm sạch nước sông, hồ ô nhiễm ở Hà Nội. Sở dĩ Hà Nội phải mua chế phẩm thông qua Công ty Arktic là vì Công ty Thoát nước Hà Nội không thể trực tiếp nhập khẩu chế phẩm này, do không đủ điều kiện về ngành nghề kinh doanh.

“Tôi đã làm hết khả năng của mình để Hà Nội có được sản phẩm chất lượng nhất, giá cả hợp lý nhất” - ông Chung nói và đề nghị HĐXX cho trưng cầu giám định chất lượng Redoxy-3C để thấy chất lượng của chế phẩm này như thế nào.

Khi ông Chung muốn trình bày thêm, chủ tọa ngắt lời: “Các tài liệu trong hồ sơ vụ án cho thấy việc nhập chế phẩm này rất có vấn đề. Kết quả thanh tra, điều tra cũng có nhiều nội dung thể hiện rõ sự chỉ đạo của bị cáo”.

Tiếp tục khai, ông Chung một lần nữa phủ nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng về việc Arktic là công ty của gia đình mình. Theo lời cựu chủ tịch, ông biết vợ và con trai cùng một người khác lập công ty trong thời gian con trai ông về Việt Nam. Khi biết việc này, ông đã khuyên con trai sang nước ngoài học tiếp.

Bị cáo cũng nói rằng gia đình mình có nguyên tắc vợ không bao giờ hỏi công việc của chồng ở cơ quan, chồng cũng không bao giờ hỏi vợ về công việc kinh doanh, vì thế ông không hề biết việc vợ mình góp 5 tỉ đồng vốn điều lệ khi thành lập Công ty Arktic.

Đề nghị trưng cầu giám định thiệt hại

Bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị tòa phúc thẩm xem xét về số tiền 10 tỉ đồng mà gia đình bị cáo đã nộp ở giai đoạn sơ thẩm. Bị cáo nói cần trao đổi trực tiếp với chị gái mình (người nộp tiền) để cân nhắc về việc có đồng ý nộp hay không.

HĐXX cho biết chị gái ông Chung có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo đơn, bà cho biết số tiền 10 tỉ đồng là do vay mượn để nộp với hy vọng giúp ông Chung có thể được giảm án, không bàn bạc với ông Chung. Trường hợp ông Chung bị kết tội, bà vẫn tự nguyện khắc phục số tiền nêu trên, không đề nghị trả lại.

Trình bày ý kiến ngay sau đó, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội nói: “Nếu có quyết định đúng đắn của cơ quan pháp luật về việc giám định thiệt hại, hết bao nhiêu tiền, xin HĐXX cho tôi gặp vợ và gia đình, kể cả vay mượn tôi cũng khắc phục”.

Tuy nhiên, bị cáo không chấp nhận giá trị thiệt hại mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Lý do, thiệt hại vụ án phải do cơ quan giám định xác định nhưng ở giai đoạn sơ thẩm, tòa án đã không trưng cầu giám định mà lại “tự ý kết luận về con số thiệt hại”.

Bị cáo mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm theo thẩm quyền của mình cần ra quyết định trưng cầu giám định thiệt hại tài sản trong vụ án, “kể cả con số cao hơn cũng sẽ khắc phục ngay”.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-nguyen-duc-chung-xin-lay-tu-cach-cua-mot-con-nguoi-de-phu-nhan-ong-co-cong-ty-gia-dinh-post685465.html