Ông Nguyễn Hồ Hải: Báo chí cùng TP.HCM trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, khẳng định báo chí TP sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, luôn dũng cảm có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất.
Sáng 21-6, tại Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), Hội nhà báo TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2024) và lễ trao giải báo chí TP.HCM lần thứ 42 năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải biểu dương và chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được vinh dự nhận Giải Báo chí TP.HCM lần thứ 42.
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, hoạt động báo chí trên địa bàn TP rất phong phú, đa dạng, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
“Báo chí sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, luôn dũng cảm có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất” – ông Hải nói.
Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Hồ Hải khẳng định TP.HCM luôn ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan báo chí và xem báo chí cách mạng là một lực lượng rất quan trọng, đã đồng hành cùng TP trên nhiều mặt trận trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Hồ Hải cho biết năm 2024, TP sẽ tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, ông cho rằng cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí.
Trên tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải mong các cơ quan báo chí phải luôn khẳng định là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, chính trị; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của TP, nhất là những chủ trương liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân để người dân có thể hiểu rõ, chia sẻ, thấu cảm, đồng thuận ủng hộ.
Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng để định hướng xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm.
Ngoài ra, còn giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Từ đó, hướng đến xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
8 tác phẩm đoạt giải của báo Pháp Luật TP.HCM
- Nhóm 1 (Tin, ảnh báo chí):
Tác phẩm “Chúng tôi là công nhân Vành đai 3” của tác giả Huỳnh Trường Giang – Thái Quốc Vũ” đoạt giải Nhất.
Tác phẩm "TP.HCM: Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 98 năm 2023" của tác giả Nguyễn Nguyệt Nhi, Lê Thị Kim Thoa đoạt giải Ba.
- Nhóm 2 (Chính luận, bình luận, chuyên luận, xã luận):
Tác phẩm “Xóa ‘ma trận” đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc của tác giả Đỗ Văn Thiện đoạt giải Nhì;
Tác phẩm “Để chính quyền TP.HCM gần dân hơn” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Đặng Hồ Bảo Phương đoạt giải Khuyến Khích.
- Nhóm 3 (Phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký sự, ký báo chí):
Tác phẩm điều tra “Trật tự đô thị ‘làm luật’ người bán hàng rong” của tác giả Nguyễn Tiến Tân - Nguyễn Văn Yên đoạt giải Nhì;
Tác phẩm điều tra “Mua đường cho xe đi vào giờ cấm” của tác giả Sang Grip đoạt giải Ba.
- Nhóm 4 (Phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh):
Tác phẩm “Để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ” của tác giả Lê Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Nguyễn Trọng Phú, Đặng Hồ Bảo Phương, TS Cao Vũ Minh, Nguyễn Thị Thu Nguyệt đoạt giải Ba.
- Nhóm 5 (Công trình tập thể):
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của Báo Pháp Luật TP.HCM đoạt giải Nhất.