Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với bối cảnh kinh tế mới

Cải thiện quản trị minh bạch và chuyển hướng sang sản xuất xanh là những giải pháp doanh nghiệp Việt cần để cạnh tranh và phát triển.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), năm 2024, những diễn biến bất lợi của thế giới đã tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Thách thức này sẽ là trở ngại mà DN Việt phải đối diện trong năm 2025, buộc DN phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp dòng chảy vốn cũng như nền sản xuất toàn cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA

* Gần kết thúc quý IV/2024, ông đánh giá thế nào về việc sản xuất, kinh doanh của DN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động?

- Hiện nay, tình hình kinh doanh của DN đã có chuyển biến tích cực với sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu. Đây là điều rất đáng ghi nhận về những nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh để duy trì hoạt động, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, đơn hàng đã có nhưng chưa thực sự khởi sắc vì nhu cầu thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và cạnh tranh gay gắt nên biên lợi nhuận mỏng, mà chỉ cần đối diện rủi ro có thể đảo chiều từ lãi thành lỗ.

Giống như một con tàu vừa vượt qua cơn bão, DN TP.HCM đã dần ổn định trở lại và bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao sẵn sàng đe dọa hành trình của DN.

* Thưa ông, những thách thức mà DN phải đối diện lúc này là gì?

- Thời gian qua, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự thành công nhất định khi sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chủ quan, đơn hàng hoàn toàn có thể chuyển sang đối thủ cạnh tranh. Lúc này, một thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản là vấn đề truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Để cạnh tranh với các quốc gia khác, DN cần chứng minh được sản phẩm của mình có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn xây dựng hình ảnh tích cực cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay DN đã nhận thức rõ về sự cần thiết của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số không chỉ giới hạn trong quản trị mà còn bao gồm việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, giúp tăng năng suất và giảm chi phí. Để thích ứng với xu hướng phát triển bền vững, DN đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

Một trong những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số là sự khác biệt về quy mô giữa các loại hình DN. Trong khi những tập đoàn lớn có đủ tài chính và nguồn lực để đầu tư vào công nghệ hiện đại thì phần lớn DN vừa và nhỏ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng những công nghệ này. Do đó, việc lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phải được thực hiện một cách cẩn trọng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và khả năng tài chính của từng DN.

* Theo ông thì trong bối cảnh mới, DN cần tận dụng lợi thế nào để mở rộng quy mô và nắm bắt các xu hướng mới?

- Để phát triển, DN không thể đi theo lối kinh doanh truyền thống. Thế giới đang đòi hỏi sản phẩm có giá trị, hàm lượng khoa học công nghệ cao, cùng với đó là xu hướng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Chỉ bằng cách đổi mới và sáng tạo, DN mới thực sự bứt phá, vươn tầm và đủ năng lực vượt qua những thách thức lớn.

Theo tôi, nền tảng quan trọng mà cộng đồng DN có thể dựa vào để tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới và tạo bàn đạp tăng tốc là Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM (C4IR) vừa được hình thành.

Trung tâm này đóng vai trò là cầu nối quan trọng, hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại.

Chúng ta có thể thấy, số hóa dữ liệu trong DN chưa cao, mức độ ứng dụng công nghệ trong tự động hóa sản xuất còn rất thấp và phần lớn DN hiện nay cũng chưa trang bị kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong nhà máy thông minh... DN thường đối mặt với những thách thức trong đảm bảo nguồn tài chính để đổi mới và sáng tạo. Nhưng bằng việc liên kết với C4IR, DN có thể được hỗ trợ về tài chính và nhân lực, tư vấn công nghệ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. DN được cung cấp thông tin về công nghệ mới, giải pháp phù hợp với từng ngành nghề, quy mô doanh nghiệp. C4IR còn giúp DN đánh giá hiện trạng, xác định điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra lộ trình chuyển đổi phù hợp.

* Bằng nỗ lực, DN đã vững vàng vượt khó, nhưng chắc chắn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh kinh tế mới vào năm 2025, phải không, thưa ông?

- Chủ động thích ứng là nguyên tắc quan trọng để DN đi đến thành công. Nhưng bên cạnh đó, để DN phát triển toàn diện rất cần sự chung tay của Nhà nước. HUBA đã kiến nghị tới lãnh đạo Thành phố nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt khó, như tạo điều kiện thuận lợi để DN được tham gia dự thầu công trình đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu. Thành lập tổ công tác xét duyệt các dự án đầu tư và có cơ chế để DN đầu tư tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, các dự án chuyển tiếp được tham gia chương trình kích cầu. Bên cạnh đó, TP.HCM cần có giải pháp đón nhận dòng dịch chuyển vốn FDI, sớm thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất đến hạn và ban hành giá đất khu công nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối DN trong nước với cộng đồng DN thế giới.

* Xin cảm ơn ông !

Bảo Khang

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ong-nguyen-ngoc-hoa-chu-tich-hiep-hoi-doanh-nghiep-tp-hcm-doanh-nghiep-phai-chu-dong-thich-ung-voi-boi-canh-kinh-te-moi-314749.html