Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư

Sáng 31.1, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiến hành phiên họp để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Sáng 31.1, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo chương trình Đại hội XIII (sửa đổi), ngày 1.2, kết quả bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ được báo cáo trước toàn thể Đại hội.

Cụ thể, Trung ương khóa XIII đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Ban Bí thư gồm một số Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 nhân sự được bầu tại Hội nghị.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 người; ông Trần Cẩm Tú tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Trước đó, vào chiều 30.1, Đại hội XIII đã bầu Trung ương khóa mới gồm 200 người, trong đó 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Trong danh sách ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 10 trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu và đều trúng cử. Trong đó hai trường hợp "đặc biệt" Bộ Chính trị khóa XII tái cử là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Với việc tái đắc cử lần này, ông Trọng là người được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư tại ba nhiệm kỳ (XI, XII và XIII).

Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14.4.1944; Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn; quê ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Ông là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, X, XI, XII; Thường trực Bộ Chính trị (8.1999 - 4.2001); Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa VII đến XIII; Chủ tịch nước từ 10.2018; Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII; Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV.

Từ năm 1957 đến 1963, ông học trường Phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội, sau đó là sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi ra trường ông làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản; thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971); Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969 - 1973)

Từ 8.1973 - 4.1976, ông nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) rồi trở về làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Ông tiếp tục học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

Từ 8.1983 đến 2.1989, ông làm Phó ban Xây dựng Đảng (10.1983), Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản (9.1987), từng bước giữ vị trí Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Đến tháng 8.1996, ông giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, gần hai năm sau đó chuyển sang phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng, rồi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (11.2001 - 8.2006).

Trong 6 năm từ 1.2000 đến 6.2006, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XII, XIII, XIV. Từ 6.2006 đến 7.2011 là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII.

Đại hội XI (tháng 1.2011) đã bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm 200 người; Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương khóa XI bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội XII (tháng 1.2016) bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới với 200 thành viên; tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tái đắc cử.

Tháng 10.2018, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, như việc đề ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng là dấu ấn đậm nét trong các nhiệm kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, trong đó phòng chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu.

Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông nhiều lần khẳng định quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai không làm thì đứng sang một bên".

T.H

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ong-nguyen-phu-trong-tai-dac-cu-tong-bi-thu-27367.html