Ông Nguyễn Quang Tuấn xin thực hành tại bệnh viện để được cấp chứng chỉ, trở lại làm nghề y
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề.
Được biết, ông Nguyễn Quang Tuấn đã bắt đầu thực hành tại bệnh viện từ ngày 1/7 để được cấp giấy phép hành nghề theo quy định.
Trước đó, ông Nguyễn Quang Tuấn đã viết đơn xin được thực hành để phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề gửi đến Bệnh viện Hữu Nghị.
Khi nhận đơn, phía bệnh viện đã tạo điều kiện để ông Nguyễn Quang Tuấn được thực hành theo quy định.
Ông Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967, quê quán Hà Nội. Ông từng có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ y khoa. Ông Tuấn từng làm giám đốc hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Tim Hà Nội. Ông Tuấn là bác sĩ có chuyên môn cao, là chuyên gia đầu ngành tim mạch.
Năm 2012, ông Tuấn được làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, khi đó là bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Sau khi rời Bệnh viện Tim Hà Nội, ông được điều động, bổ nhiệm là giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Ông bị tước chứng chỉ hành nghề trong vụ nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng, nhưng không bị cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án.
Theo quy định, ông Tuấn phải thực hành trong vòng 12 tháng để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mới. Khi có chứng chỉ hành nghề mới, ông Tuấn có thể trở lại khám, chữa bệnh cho người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về nội dung này trưa nay (10/7), TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ông Nguyễn Quang Tuấn thuộc trường hợp không hành nghề trên 24 tháng nên sẽ thực hành trong 12 tháng. Sau khi có xác nhận thực hành thì làm hồ sơ để cấp giấy phép hành nghề thuộc trường hợp không hành nghề.
Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng...
Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Điều 31 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 về nội dung cấp lại giấy phép hành nghề quy định gồm các trường hợp: Đã được cấp giấy phép hành nghề; Đáp ứng các điều kiện phù hợp với nội dung đề nghị cấp lại; Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật...