Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Chia sẻ những khó khăn, vất vả của người dân Thủ Thiêm'
'Thay mặt Đảng bộ và chính quyền TP, tôi trân trọng cảm ơn đồng bào trong khu vực quy hoạch đã chấp hành di dời và chia sẻ khó khăn, vất vả, xáo trộn cuộc sống để TP thực hiện được các dự án phục vụ cho sự phát triển', Bí thư Nhân chia sẻ.
Ngày 6/10, kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 16 (kỳ họp bất thường) được tổ chức nhằm xem xét chủ chương xây dựng chính sách bồi thường tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An (quận 2).
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh, căn cứ theo thông báo, kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến kết luận của Phó thủ tướng liên quan đến vấn đề xử lý sau thanh tra khu đô Thủ Thiêm, TP có thể thấy rõ nhiệm vụ chính trị quan trọng của vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm.
HĐND TP đã triệu tập kỳ họp để bàn thảo xem xét tờ trình của UBND TP về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã tập trung tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm với trọng tâm là sớm giải quyết quyền lợi của nhân dân, hoàn thiện quy hoạch theo đúng quy định.
"Thay mặt Đảng bộ và chính quyền TP, tôi trân trọng cảm ơn đồng bào trong khu vực quy hoạch đã chấp hành di dời và chia sẻ khó khăn, vất vả, xáo trộn cuộc sống để TP thực hiện được các dự án phục vụ cho sự phát triển", Bí thư Nhân chia sẻ.
Trước đó, UBND TP HCM đã phối hợp với các bộ ngành xác định ranh khu vực 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An. Theo đó, có 331 hộ dân bị ảnh hưởng.
Về việc xác định giá đền bù, tổ công tác liên ngành liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm tính theo quy chiếu hệ số, tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi. Tổ công tác cũng lấy đơn giá nhà nước ban hành gần đây nhất liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số quy đổi.
Ví dụ nếu hộ dân có 1 m2 ở mặt tiền Trần Não nằm trong khu 4,39 ha nếu quy đổi đất mặt tiền đường Lương Định Của sẽ được khoảng 1,3 m2, đổi ở đường số 4 (rộng 22 m) và đường A (rộng 24 m) đều được 1,7 m2, đổi ở đường nội bộ (rộng 8 m) được 2,2 m2... Bốn tuyến đường này đều nằm trong khu 1,8 ha ở Bình Khánh mà quận 2 dự tính quy đổi đất.
Nguyên tắc quy đổi là vị trí đất mà hộ dân nhận càng xa trung tâm quận 2 thì diện tích nhận được càng lớn. Tổ công tác cũng tính sau khi đổi, nếu người dân đem bán diện tích được quy đổi thì số tiền thu về tương đồng với giá diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,39 ha ở thời điểm hiện tại.
Trong phương án của tổ công tác, TP HCM dành một số quỹ đất để quy đổi cho người dân là khu 1,8 ha ở Bình Khánh, khu 30 ha ở Nam Rạch Chiếc, khu 50 ha ở Cát Lái, khu 174 ha và 143 ha ở Thạnh Mỹ Lợi cùng các khu chung cư tái định cư.
Đất thu hồi trong khu 4,39 ha ngoài ranh đều được quy đổi sang đất và căn hộ chung cư. Chỉ khi nào việc quy đổi khiến diện tích đất quá nhỏ không thể đổi đất và căn hộ được nữa mới tính thành tiền theo giá nhà nước gần đây nhất.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết tổ công tác có sự chuẩn bị. Chính sách bồi thường đã lấy ý kiến từ các hộ dân để tạo ra sự đồng thuận.
“Chính sách bồi thường là chính sách rất tốt. Chính sách này áp dụng hệ số quy đổi có lợi cho người dân. Giá bồi thường là giá hôm nay, không phải giá 10 năm trước. Nếu lấy giá thị trường ngoài thì vô chừng. Thành phố lấy chính sách bồi thường dựa vào quy định pháp luật, có lợi cho người dân. Làm theo chính sách của nhà nước nhưng người dân có lợi.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm công tác bồi thường bằng đơn giá bồi thường nhà nước. Để người dân được lợi quy đổi nền đất, nền nhà", ông Hoan khẳng định.